Mỹ: Điều tra nguồn gốc dịch đậu mùa khỉ lây lan tại nước này

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ và các cơ quan chức năng nước này đang tập trung xác định nguồn lây lan của dịch đậu mùa khỉ.
05/06/2022 08:53

 Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 3/6 cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nước này đã phát hiện 21 ca mắc đậu mùa khỉ trong tổng số hơn 700 người nhiễm trên toàn thế giới. Hiện cơ quan chức năng Mỹ đang tập trung xác định nguồn lây lan của dịch bệnh này.

Theo báo cáo mới nhất của CDC Mỹ, trong số 21 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, có 14 trường hợp được cho có liên quan đến yếu tố xuất nhập cảnh. Toàn bộ bệnh nhân hiện đang trong quá trình phục hồi hoặc đã phục hồi và không có bất cứ ca tử vong nào.

Trong bối cảnh đó, ông Raj Panjabi, Giám đốc cấp cao về an ninh y tế toàn cầu của Nhà Trắng cho biết, 1.200 liều vaccine và 100 liệu trình điều trị đã được chuyển tới các bang của Mỹ, nơi ghi nhận các trường hợp tiếp xúc với người lây nhiễm.

Hiện có 2 loại vaccine đã được cấp phép phòng bệnh đậu mùa khỉ là ACAM2000 và JYNNEOS. Đây là hai loại vaccine ban đầu được phát triển để chống lại bệnh đậu mùa.

280

Hiện thế giới đã ghi nhận trên 700 ca mắc đậu mùa khỉ

Trong khi đó, nước láng giềng Canada đã ghi nhận tổng cộng 77 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó phần lớn tập trung tại tỉnh Quebec.

Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực xác định lý do tại sao bệnh đậu mùa khỉ, một căn bệnh thường chỉ tập trung ở Trung và Tây Phi, lại xuất hiện ở Canada và các nơi khác trên thế giới phương Tây.

Nhóm chuyên gia của WHO nhận định, mức độ rủi ro với sức khỏe cộng đồng của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là vừa phải. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo: “Nguy cơ sức khỏe cộng đồng có thể đáng lo hơn nếu virus này tận dụng cơ hội để trở thành mầm bệnh lây ở người, lây lan sang các nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn như trẻ nhỏ, người bị ức chế miễn dịch”.

Theo WHO, virus đậu mùa khỉ có hai chủng chính gồm chủng Tây Phi thường gây ra các triệu chứng nhẹ và chủng Trung Phi (hay Congo) có thể gây bệnh nặng hơn. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là khoảng 1% với chủng Tây Phi và 10% ở chủng Trung Phi.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer