Mỹ một tuần tiêm hơn 7 triệu liều vaccine COVDI-19

Mỹ tiêm hơn 7 triệu liều vaccine COVID-19 trong tuần qua, mức cao nhất kể từ đầu tháng 7, một phần nhờ nhu cầu tiêm mũi tăng cường.
10/10/2021 10:10

Thông tin được đưa ra trong bài đăng trên Twitter hôm 9/10 của Cyrus Shahpar, giám đốc dữ liệu COVID-19 của Nhà Trắng. Ông cho biết thêm rằng trong số 1,15 triệu liều vaccine được tiêm vào ngày 9/10 tại Mỹ, mũi tăng cường chiếm tới 502.000.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nước này đã tiêm 7,79 triệu mũi tăng cường kể từ khi kế hoạch được triển khai từ giữa tháng 8, dành cho người trên 65 tuổi, dễ mắc bệnh nghiêm trọng và làm công việc nguy cơ cao.

1

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho sinh viên tại thành phố Jackson, bang Mississippi, Mỹ, hôm 21/9

Ngoài mũi tăng cường, chiến dịch tiêm chủng COVID-19 tại Mỹ gần đây còn có nhiều động lực thúc đẩy khác, bao gồm quy định bắt buộc tiêm chủng đối với một số đối tượng lao động. Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu các doanh nghiệp trên 100 nhân viên phải đảm bảo toàn bộ nhân sự được tiêm vaccine hoặc xét nghiệm COVID-19 hàng tuần, quy định được cho là ảnh hưởng đến 80 triệu người. Việc Mỹ phê duyệt hoàn toàn vaccine của Pfizer cũng được cho là một nguyên nhân.

Kết quả là số liều vaccine COVID-19 được triển khai tại Mỹ duy trì tốc độ tăng đều đặn và lên mức cao nhất trong vòng ba tháng, với trung bình một triệu liều được tiêm mỗi ngày, gần gấp đôi so với giữa tháng 7. CDC cho biết tính đến sáng 9/10, Mỹ đã tiêm tổng cộng 401.819.240 liều vaccine COVID-19 và phân phối 487.277.035 liều.

Thành tựu tiêm chủng của vùng dịch lớn nhất thế giới đạt được trong bối cảnh toàn cầu đã ghi nhận tổng cộng 238.303.087 ca nhiễm COVID-19, bao gồm 4.861.847 trường hợp tử vong và 215.450.824 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Tại Anh, vùng dịch lớn nhất châu Âu, số mũi vaccine tăng cường đã được tiêm cũng lên tới 2,08 triệu sau ba tuần triển khai. Theo quy định của nước này, mũi tăng cường được tiêm ít nhất 6 tháng sau liều thứ hai, dành cho những người từ 50 tuổi trở lên, nhân viên y tế và chăm sóc xã hội tuyến đầu, cùng những người trong độ tuổi 16-49 có bệnh lý nền.

Tại Australia, thành phố Sydney dự kiến nới lỏng một số biện pháp hạn chế quan trọng đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ kể từ ngày 11/10. Hơn 70% dân số bang New South Wales, nơi Sydney là thủ phủ, đã được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ.

"Chúng tôi biết rằng số ca nhiễm sẽ gia tăng khi mở cửa, nhưng yếu tố then chốt để giữ an toàn cho người dân là tỷ lệ tiêm chủng cao của bang", Thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet cho biết. Mặc dù những thành phố lớn gần đây chịu ảnh hưởng nặng nề vì chủng Delta, số ca nhiễm COVID-19 tại Australia vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia dân số tương đương.

Tại châu Á, Hàn Quốc hôm 9/10 vượt mốc tiêm chủng đầy đủ cho 30 triệu người, tương đương 59,1% dân số, trong bối cảnh chính phủ nước này nỗ lực tăng tốc tiêm chủng và tìm cách triển khai dần kế hoạch sống chung với COVID-19. Hàn Quốc đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối tháng này.

Tình hình COVID-19 tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực, với số ca nhiễm mới hàng ngày giảm xuống còn 82, con số thấp nhất kể từ ngày 19/10/2020. Hồi tháng 8, đợt bùng phát vì biến chủng Delta khiến số ca nhiễm hàng ngày tại Tokyo lên tới mức đỉnh là hơn 5.000. Tokyo và phần lớn Nhật Bản đã thoát khỏi tình trạng khẩn cấp kéo dài gần 6 tháng.

Trong nỗ lực hướng tới trạng thái bình thường mới, Singapore hôm 9/10 thông báo sẽ mở hành lang đi lại không cần cách ly người đã tiêm chủng với 8 quốc gia phương Tây, bao gồm Anh, Mỹ, Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Canada và Đan Mạch. Hành lang dự kiến mở từ 19/10, đánh dấu lần nới lỏng hạn chế lớn nhất của Singapore kể từ khi đóng biên vào tháng 3/2020.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết nước này sẽ tiếp tục kế hoạch sống chung với COVID-19, dù số ca nhiễm theo ngày và số người tử vong đang gia tăng. Ông Lý nhận định Singapore có lẽ sẽ mất "ít nhất ba tháng hoặc có thể lâu hơn là 6 tháng" để dỡ bỏ các lệnh hạn chế như đa phần các nước phương Tây đang thực hiện.

Ánh Ngọc (Theo Bloomberg, Guardian, SCMP)

comment Bình luận

largeer