Mỹ phẩm thuần chay: Trào lưu hay tương lai của ngành làm đẹp?

Mỹ phẩm thuần chay ngày càng được ưa chuộng trong ngành làm đẹp toàn cầu. Không chỉ phản ánh lối sống xanh và tiêu dùng có trách nhiệm, dòng sản phẩm này còn cho thấy tiềm năng phát triển lâu dài, vượt xa một xu hướng nhất thời.
03/07/2025 16:07

Thị trường thay đổi theo lối sống xanh

Mỹ phẩm thuần chay là những sản phẩm không chứa thành phần có nguồn gốc động vật và không thử nghiệm trên động vật trong bất kỳ khâu sản xuất nào. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến quyền động vật và môi trường, các sản phẩm gắn nhãn “vegan” nhanh chóng được ưa chuộng, đặc biệt trong giới trẻ và Gen Z.

Theo The Economist, từ năm 2019, “thuần chay” đã vượt ra khỏi phạm vi ẩm thực, trở thành một phong cách sống phổ biến trong giới trẻ, người nổi tiếng và đông đảo người tiêu dùng. Thống kê cho thấy, 1/4 Millennials trên thế giới tự nhận đang ăn chay hoặc theo lối sống thuần chay. Tại Mỹ, số người ăn chay tăng 300% trong 3 năm, còn tại Anh tăng tới 350%. Xu hướng này không chỉ dừng lại ở thực phẩm mà còn lan sang thời trang và mỹ phẩm.

Bên cạnh hình ảnh xanh, sạch và thẩm mỹ, mỹ phẩm thuần chay còn được đánh giá cao nhờ bảng thành phần lành tính, hạn chế kích ứng và phù hợp với cả làn da nhạy cảm. 

Empty

Xu hướng thay đổi sang lối sống xanh, sử dụng mỹ phẩm thuần chay (Ảnh minh họa)

Tiềm năng phát triển tại Việt Nam

Dù vẫn còn khá mới mẻ, mỹ phẩm thuần chay tại Việt Nam đang dần mở rộng nhờ nhóm người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm và môi trường. Bên cạnh các thương hiệu quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng này, xây dựng thương hiệu gắn liền với yếu tố tự nhiên, lành tính và “xanh hóa” chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với không ít rào cản. Phần lớn người tiêu dùng trong nước ưu tiên hiệu quả nhanh và giá thành hợp lý, trong khi mỹ phẩm thuần chay thường có chi phí cao hơn do quy trình sản xuất nghiêm ngặt và hạn chế về nguồn nguyên liệu.

Không phải sản phẩm “Vegan” nào cũng an toàn

Dù được xem là lành tính, mỹ phẩm thuần chay vẫn cần được kiểm chứng kỹ về độ an toàn và hiệu quả thực tế. Một số sản phẩm vegan có thể chứa tinh dầu tự nhiên nồng độ cao hoặc hợp chất hoạt tính dễ gây kích ứng, đặc biệt với làn da nhạy cảm.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm được quảng cáo là thuần chay hoặc thân thiện với môi trường nhưng thực tế không có kiểm chứng rõ ràng, dẫn đến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn và chọn mua không đúng.

Các chuyên gia khuyến cáo nên ưu tiên sản phẩm có chứng nhận rõ ràng từ các tổ chức uy tín như Vegan Society, PETA hoặc Leaping Bunny, đồng thời luôn kiểm tra kỹ bảng thành phần thay vì chỉ tin vào nhãn dán trên bao bì.

Tương lai ngành mỹ phẩm gắn với tính bền vững

Chuyển sang sử dụng sản phẩm thuần chay không chỉ giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu mà còn là chiến lược lâu dài, khi người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố đạo đức và minh bạch. Nhiều chuyên gia dự báo, trong 5-10 năm tới, “xanh hóa” chuỗi cung ứng sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc để ngành mỹ phẩm có thể cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, dù mỹ phẩm thuần chay chưa phát triển mạnh như ở phương Tây, nhưng đã đặt nền móng cho một thị trường mới, nơi đạo đức và làm đẹp cùng song hành. Để xây dựng ngành làm đẹp hiện đại, nhân văn và bền vững, cần có sự phối hợp giữa chính sách quản lý, chiến lược thương hiệu rõ ràng và sự tỉnh táo của người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm.

Thảo Nguyên (Tổng hợp)

comment Bình luận