Mỹ tuyên bố thắng lớn trong cuộc chiến chống Covid-19

Mỹ dỡ yêu cầu đeo khẩu trang với những người tiêm đủ liều vaccine Covid-19, động thái được Biden xem là cột mốc vĩ đại trong cuộc chiến chống dịch.
14/05/2021 07:00

 Thế giới đã ghi nhận 161.785.866 ca nhiễm nCoV và 3.357.170 ca tử vong, tăng lần lượt 750.896 và 13.249, trong đó 139599.639 người đã bình phục.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 33.620.756 ca nhiễm và 598.491 ca tử vong, tăng lần lượt 34.484 và 708. Trong động thái đánh dấu thay đổi đột ngột sau hơn một năm kêu gọi người dân đeo khẩu trang ngăn virus lây lan, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hôm 13/5 thông báo dỡ yêu cầu này.

"Bất kỳ ai đã được tiêm chủng đầy đủ đều có thể tham gia các hoạt động trong nhà và ngoài trời, dù lớn hay nhỏ, mà không cần đeo khẩu trang hoặc duy trì giãn cách", giám đốc CDC Rochelle Walensky nói trong cuộc họp báo. "Nếu đã được tiêm phòng đầy đủ, bạn có thể bắt đầu làm những việc mà bạn đã ngừng vì đại dịch".

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chiến thắng lớn trong cuộc chiến chống lại loại virus đã khiến gần 600.000 người Mỹ thiệt mạng. "Tôi nghĩ đó là một cột mốc vĩ đại, một ngày tuyệt vời, có thể thực hiện được nhờ thành công phi thường mà chúng ta đã có trong việc tiêm chủng nhanh chóng cho rất nhiều người Mỹ", ông nói.

Thông báo của CDC thay đổi ngay lập tức bầu không khí tại Nhà Trắng. Trên bục phát biểu, Biden không còn đeo khẩu trang và các trợ lý của ông cũng vậy.

"Người dân Mỹ đã hành động theo kêu gọi. Các bạn đã làm điều mà tôi coi là nghĩa vụ yêu nước. Đó là cách chúng ta có được ngày hôm nay", Biden nói thêm.

Thông báo của CDC cũng đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Mỹ, mang đến cho đất nước hy vọng có thể trở lại bình khi ca nhiễm giảm trên toàn quốc và ngày càng nhiều người tiêm chủng.

Dữ liệu thu thập được cho thấy hiệu quả cực kỳ cao của các vaccine Covid-19 được cấp phép ở Mỹ, không chỉ ngăn triệu chứng mà còn cả ca nhiễm không triệu chứng và lây truyền. Gần 60% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm một hoặc hai mũi vaccine.

Tuy nhiên, Biden cảnh báo đất nước vẫn có quá nhiều người đang chết vì virus, kêu gọi người dân đi tiêm phòng và nói rằng việc dỡ yêu cầu đeo khẩu trang chỉ áp dụng cho những người đã được tiêm phòng đầy đủ.

tong thong

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 13/5. Ảnh: AFP.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 24.040.851 ca nhiễm và 262.239 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 338.019 và 3.888 ca. Các chuyên gia chưa thể nói chắc khi nào số ca nhiễm đạt đỉnh, ngày càng nhiều người lo ngại về khả năng lây lan của biến chủng mới.

Dù là nước sản xuất vaccin lớn nhất thế giới, Ấn Độ đã cạn kiệt nguồn dự trữ do nhu cầu quá lớn. Tính đến 13/5, nước này đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 38,2 triệu người, tương đương 2,8% trong dân số 1,35 tỷ.

Bộ Y tế đã chấp thuận khuyến nghị của một hội đồng chính phủ để kéo dài khoảng cách giữa liều đầu tiên và liều thứ hai vaccine AstraZeneca từ 6-8 tuần lên 12-16 tuần. Khuyến nghị được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu vaccine trầm trọng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay Ấn Độ chiếm một nửa trong tổng số ca Covid-19 và 30% số ca tử vong trên toàn thế giới tuần qua. Biến chủng B.1.617 đã được WHO xếp vào nhóm "đáng lo ngại" bởi lây lan nhanh hơn bản gốc và có khả năng né vaccine.

Thủ tướng Narendra Modi đã giao cho chính quyền các bang áp đặt biện pháp hạn chế ngăn virus lây lan. Người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ cho rằng các khu vực có mức độ lây nhiễm cao phải bị phong tỏa 6-8 tuần.

Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 15.433.989 ca nhiễm và 430.417 ca tử vong, tăng lần lượt 72.303 và 2.161. Quốc gia Nam Mỹ này phụ thuộc nhiều vào vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất. Trong những tuần gần đây, một số thành phố của Brazil đã ngừng hoặc hoãn tiêm do giảm nguồn cung.

Giới chức bang đông dân nhất Brazil đang cố thuyết phục chính phủ Trung Quốc cho phép xuất khẩu nguyên liệu thô để sản xuất hàng triệu liều vaccine Covid-19 trong bối cảnh nguồn cung vaccine đột ngột thiếu hụt.

Viện Butantan, nhà máy sản xuất vaccine thuộc quản lý của chính quyền bang Sao Paulo, phải giảm tiến độ sản xuất do thiếu nguyên liệu. Thống đốc bang Joao Doria đã trò chuyện với đại sứ Trung Quốc tại Brazil, cho biết đại sứ sẽ phản hồi với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để giải phóng số nguyên liệu thô có sẵn trong phòng thí nghiệm của Sinovac.

"Nguyên liệu thô đã có sẵn trong các thùng lạnh, chỉ đợi sự cho phép của chính phủ Trung Quốc", Doria nói, nhấn mạnh nguy cơ ngừng tiêm chủng nếu 10.000 lít nguyên liệu thô đang mắc kẹt ở Trung Quốc đủ để sản xuất 18 triệu liều vaccine không tới sớm.

Huyền Lê (Theo AFPReutersWorldometer)

comment Bình luận

largeer