Nam Phi thông báo đã trải qua đỉnh dịch do biến chủng Omicron gây ra

Nam Phi tuyên bố đã qua đỉnh sóng COVID-19 thứ tư do biến chủng Omicron gây ra và dỡ lệnh giới nghiêm ban đêm, nới một số hạn chế.
31/12/2021 11:16

Chính phủ Nam Phi hôm 30/12 ra tuyên bố nói rằng dữ liệu y tế cho thấy nước này đã qua đỉnh sóng lây nhiễm do Omicron mà không có sự gia tăng đột biến về ca tử vong.

"Tốc độ sóng lây nhiễm thứ tư do Omicron tăng lên, đạt đỉnh và sau đó giảm đáng kinh ngạc", tiến sĩ Fareed Abdullah thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi cho biết. "Đạt đỉnh trong 4 tuần và giảm mạnh trong hai tuần kế tiếp. Sóng Omicron đã kết thúc ở thành phố Tshwane. Đó là trận lũ quét hơn là cơn sóng. Ca tử vong khoảng thời gian này ít và xuống mức không đáng kể trong tuần trước".

Nam Phi, hiện ở mức thấp nhất trong thang cảnh báo COVID-19, quyết định dỡ lệnh giới nghiêm từ nửa đêm đến 4h sáng hôm sau. Các cuộc tụ tập được giới hạn ở mức không quá 1.000 người trong nhà và không quá 2.000 người ngoài trời.

B3

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại Johannesburg, Nam Phi, hôm 30/11. Ảnh: AFP.

Các cửa hàng rượu có giấy phép hoạt động sau 23h có thể mở cửa trở lại, tin vui cho các thương nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và đang tìm cách phục hồi trong mùa lễ hội.

"Biến chủng Omicron có khả năng lây truyền cao, nhưng tỷ lệ nhập viện thấp hơn so với các đợt trước. Điều này đồng nghĩa hệ thống y tế còn nhiều không gian để tiếp nhận bệnh nhân, kể cả những người điều trị các bệnh khác", chính phủ cho hay.

Diễn biến ở Nam Phi được cho là mang lại hy vọng cho những quốc gia đang vật lộn với biến chủng Omicron. Một số nhà khoa học đã nhanh chóng dự báo mô hình tương tự ở những nơi khác.

"Chúng ta sẽ trải qua tháng một khó khăn, vì ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh, rồi giảm nhanh", Ali Mokdad, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Washington, Mỹ và từng là nhà khoa học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, cho biết, thêm rằng tỷ lệ ca nhập viện sẽ thấp các đợt trước.

Là quốc gia đầu tiên báo cáo về biến chủng Omicron hôm 24/11, Nam Phi đã theo dõi chặt chẽ tất cả dấu hiệu của sóng COVID-19 ở nước này. Sau khi ghi nhận gần 27.000 ca nhiễm vào 16/12, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Nam Phi đã giảm. Tuần trước, ca nhiễm giảm mạnh 30%, xuống mức trung bình gần 11.500 ca một ngày.

Omicron đã lây lan sang hơn 100 quốc gia, lây nhiễm sang những người đã được tiêm chủng và những người từng mắc COVID-19, gây áp lực cho hệ thống y tế ở nhiều nước, trong đó có Mỹ và Anh.

Giới khoa học vẫn chưa có kết luận cuối cùng về độc lực hay mức độ né tránh vaccine của Omicron. Neil Ferguson, cố vấn y tế của chính phủ Anh, cùng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia ở London, cho biết chưa có bằng chứng cho thấy Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 20/12 cảnh báo có những bằng chứng chắc chắn cho thấy Omicron đang lan nhanh hơn đáng kể so với Delta. Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO, khẳng định sẽ "không khôn ngoan" khi cho rằng Omicron là biến thể chỉ gây triệu chứng nhẹ, thêm rằng biến chủng này có thể né tránh một số phản ứng miễn dịch và chương trình tiêm vaccine tăng cường ở các quốc gia cần tập trung vào nhóm người có hệ miễn dịch yếu.

(Theo NY Times, CNBC)

comment Bình luận

largeer