Ngày Quốc tế gia đình 15/5: Lịch sử, ý nghĩa của ngày Quốc tế gia đình

Ngày quốc tế Gia đình (International Day of Families – IDF) được tổ chức vào ngày 15/5 hàng năm, với mục đích tôn vinh và khẳng định tầm quan trọng của gia đình trong việc xây dựng cộng đồng và xã hội.
15/05/2022 08:51

Ngày 20/9/1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình. Đây là dịp để nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến gia đình và các tiến trình xã hội, kinh tế và nhân khẩu học ảnh hưởng đến gia đình.

Trong nghị quyết 62/129, Đại hội đồng Liên hợp quốc từng lưu ý rằng các quy định liên quan đến gia đình được thiết lập từ các kết quả của nhiều hội nghị thượng đỉnh và cuộc họp do Liên hợp quốc tổ chức tiếp tục đưa ra các định hướng chung về cách thức nhằm tăng cường các chính sách và chương trình hành động tập trung vào các gia đình. Đây cần được xem là một phần của cách tiếp cận toàn diện và tích hợp để phát triển.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lịch sử ngày Quốc tế gia đình 15/5

Năm 1983, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, theo đề nghị của Ủy ban Phát triển Xã hội tại kỳ họp thứ 28, thông qua một nghị quyết (1984/23) về vai trò của gia đình trong quá trình phát triển, trong đó nhấn mạnh mục tiêu "thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách và công chúng hiểu rõ hơn về những vấn đề và nhu cầu của gia đình cũng như các phương tiện hiệu quả để đối phó với những vấn đề đó".

Ngày 29/5/1985, trong nghị quyết 1985/29, Hội đồng Kinh tế và Xã hội đã trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc xem xét trong chương trình nghị sự một mục mang tên "Các gia đình trong quá trình phát triển" nhằm bắt đầu một quá trình phát triển nhận thức toàn cầu về những vấn đề liên quan tới gia đình.

Sau đó, ngày 7/12/1987, theo đề nghị của Ủy ban Phát triển Xã hội tại kỳ họp thứ 30 và cũng của chính Ủy ban này tại phiên họp chính thức đầu tiên năm 1987 (nghị quyết 1987/42 ngày 28/5/1987), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 42/134, trong đó kêu gọi “tất cả các quốc gia đưa ra ý kiến về việc kỷ niệm một năm quốc tế về gia đình”. Đại hội đồng cũng yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc “công bố, tại phiên họp thứ 43, một bản báo cáo chi tiết, xây dựng dựa trên các đánh giá và đề xuất của các chính phủ thành viên, liên quan đến việc kỷ niệm một năm quốc tế gia đình và các phương tiện khác để cải thiện tình hình, vật chất của gia đình và nhấn mạnh sự hợp tác quốc tế trong khuôn khổ các nỗ lực chung của thế giới nhằm ủng hộ các tiến bộ và sự phát triển trong lĩnh vực xã hội”.

Năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong nghị quyết 47/237, đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề gia đình và tăng cường khả năng của các quốc gia trong việc thực hiện các chính sách toàn diện về những vấn đề liên quan đến gia đình.

Ngày Quốc tế Gia đình là cơ hội để hiểu rõ hơn những vấn đề mà các gia đình phải đối mặt và khuyến khích các sáng kiến thích hợp. Ngày kỷ niệm này cũng có thể trở thành một nhân tố mạnh mẽ huy động sự tham gia của tất cả các quốc gia nhằm tìm cách ứng phó với những vấn đề đặt ra đối với các gia đình trong mỗi xã hội. Ngày Quốc tế Gia đình cũng là một cơ hội để làm nổi bật tinh thần đoàn kết, tập hợp các gia đình vào chung một nỗ lực nhằm xây dựng cuộc sống với chất lượng tốt hơn.

Ý nghĩa của ngày Quốc tế gia đình

Những mục tiêu trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm: Chấm dứt đói nghèo, phát triển kinh tế thịnh vượng, phát triển xã hội và nâng cao phúc lợi cho người dân, bảo vệ môi trường. Trong đó, gia đình vẫn có một vai trò chủ chốt đối với đời sống xã hội, góp phần đảm bảo sự hạnh phúc và khỏe mạnh cho từng thành viên, chăm lo và giáo dục trẻ nhỏ, chăm sóc và phụng dưỡng người già.

Đặc biệt, các chính sách lấy gia đình làm trọng tâm có thể đóng góp vào việc hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, hỗ trợ các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bảo đảm sự khỏe mạnh và hạnh phúc cho từng thành viên thuộc mọi lứa tuổi, bảo đảm cơ hội được học tập và hoàn thành mục tiêu bình đẳng giới.

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer