Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Niềm vui lớn lao của những y bác sỹ tại trạm y tế Phú Thọ

Trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tap, được về nhà sum họp, được ôm các con trong vòng tay là điều mong mỏi duy nhất của các y bác sỹ tại trạm y tế Phú Thọ. Nhưng điều ước đó của họ lại phải gạt đi ngay khi hàng nghìn bệnh nhân đang cần được điều trị.
27/02/2022 11:11

Chị Nguyễn Thu Trang (nhân viên y tế tại trạm y tế Phú Thọ) chia sẻ: Gần đây số ca mắc COVID-19 tại Phú Thọ ngày càng tăng cao, chị phải túc trực tại trạm y tế không thể về nhà. Công việc của chị hàng ngày là test cho những bệnh nhân có yêu cầu, hoặc test cho các thôn xã có nhiều ca mắc để bóc tách F0, đồng thời chị còn hướng dẫn họ cách chăm sóc y tế khi bị mắc bệnh.

"Mỗi ngày chỉ có buổi tối chị mới dành được thời gian khoảng 30 phút đến một tiếng để gọi về nhà, nhìn các con khỏe mạnh chị rất vui nhưng mỗi khi chúng nó nói nhớ mẹ là chị lại ứa nước mắt. Nhưng các con hiểu chuyện lắm, ở nhà rất ngoan và biết hôm nay là ngày của mẹ nên từ tối qua hai đứa đã chúc mẹ rồi, chị thấy rất hạnh phúc", chị Trang xúc động chia sẻ.

Nhân viên trạm y tế phát thuốc điều trị cho bệnh nhân

Nhân viên trạm y tế phát thuốc điều trị cho bệnh nhân

Cũng giống như chị Trang, anh Thành (trạm y tế xã An Lộc, Phú Thọ) cho biết: Hai vợ chồng anh cùng ngành nghề với nhau, mà ở trạm y tế thì đội ngũ y bác sỹ không có nhiều. Như những ngày trước, vợ chồng anh sẽ thay phiên nhau trực ở trạm y tế hàng tuần, nhưng từ đợt tết vừa rồi, anh chị rất bận nhiều khi còn không có thời gian chăm sóc cho gia đình của mình. Từ tết đến nay, lượng người dân về quê ăn tết rất đông và xã anh quy định mỗi người dân về quê cần ra trạm y tế xã test COVID-19, do đó hai vợ chồng anh luôn bị quá tải công việc. Không chỉ vậy, có những người test phát hiện F0, anh chị phải lập tức gửi giấy về gia đình, cập nhật thông tin bệnh nhân và khử khuẩn ngay tại trạm y tế. Đến khi xong việc cũng đã là đêm muộn.

"Điều tôi cảm thấy vui nhất là gia đình hai bên nội ngoại đều ủng hộ công việc của hai vợ chồng và ông bà cũng chăm sóc các cháu để hai con đi làm. Thêm nữa, là sự động viên của bà con làng xóm, chữa cho họ xong họ còn biếu nào là trứng, hoa quả, gà, khoai,...", anh Thành chia sẻ.

Rất năng nổ trong công tác phòng chống dịch, chị Hoài (nhân viên y tế tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) cho hay: Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, chị đã được tham gia vào công tác phòng chống dịch tại tỉnh cũng như được điều động hỗ trợ phòng chống dịch cho các bệnh viện dã chiến. Có đợt mấy tháng chị không về nhà vì hỗ trợ hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, sau khi về tỉnh rồi thì đội ngũ y bác sỹ cũng mỏng nên chị lại ở lại hỗ trợ tiếp. Vì còn trẻ và chưa lập gia đình nên chị luôn sung phong nơi tuyến đầu chống dịch, với chị cứu một mạng người như xây 7 tòa tháp nên dù có ở nơi khó khăn thế nào, chị cũng luôn khắc phục và hỗ trợ những bệnh nhân hết mình.

Ảnh: Cán bộ, nhân viên y tế Phú Thọ hỗ trợ Hà Nội phòng chống dịch COVID-19 ngày 9/9/2021

Ảnh: Cán bộ, nhân viên y tế Phú Thọ hỗ trợ Hà Nội phòng chống dịch COVID-19 ngày 9/9/2021

"Chị cũng đã từng mắc COVID-19 nên chị hiểu bệnh nhân cần y bác sỹ đến như thế nào, khi bị COVID họ chỉ có thể mong chờ vào y bác sỹ vì người nhà đâu thể vào chăm sóc họ được, nên chị luôn coi bệnh nhân là người nhà mình và chăm sóc chu đáo. Mỗi khi nhìn bệnh nhân khỏi bệnh và vui mừng chào chị để về nhà trong lòng chị dâng lên nhiều cảm xúc khó tả lắm, đó là cảm giác hạnh phúc, cảm giác nhớ gia đình và hạnh phúc khi mang lại niềm tin, niềm vui đến cho mọi người", chị Hoài bày tỏ.

Thêm vào đó, sự quyết tâm và không hề lo lắng trước nguy cơ phơi nhiễm khi lựa chọn tham gia tuyến đầu chống dịch tại các Bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Chị Hoài và những y bác sĩ ở bệnh viện dã chiến đều không sợ hãi trước dịch bệnh. Áp lực công việc thường ngày của một người y bác sĩ cũng đã "rèn" cho họ sự bản lĩnh và cứng rắn để đương đầu với khó khăn. Nhưng, những nữ y, bác sĩ và điều dưỡng - những người mẹ, dù có mạnh mẽ, dù có bản lĩnh, họ không thể không nghẹn ngào khi nhắc về nỗi nhớ con, nhớ nhà.

Tuy nhiên, dù có rất nhiều nỗi nhớ, dù vất vả nhưng lúc này, điều các bác sĩ đặt ưu tiên trên hết không phải là bản thân mình mà là sức khoẻ, tâm lý của bệnh nhân.

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các ca bệnh mới không ngừng tăng, đội ngũ y bác sĩ vẫn đang gồng mình để giành giật sự sống cho từng bệnh nhân. Hơn lúc nào hết, những người thầy thuốc xông pha ra tuyến đầu, đã nhiều tháng rồi họ đã cố gắng hết sức, đã mệt mỏi nhưng vì nhiệm vụ họ không lùi bước. Một lần nữa tất cả chúng ta xin được nói lời tri ân với những người thầy thuốc - những chiến sỹ áo trắng bất chấp hiểm nguy để mang lại sức khỏe cho cộng đồng, cho xã hội.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer