Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Vai trò của người thầy thuốc trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của người thầy thuốc trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Dù bận “trăm công, nghìn việc”, trong muôn vàn khó khăn của cách mạng, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng như nhấn mạnh vị trí, vai trò của người thầy thuốc đối với công tác này, đặc biệt coi trọng y đức của người thầy thuốc.
24/02/2022 10:08

Người thầy thuốc và vấn đề “y đức” trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Ngay từ buổi đầu của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được vị trí, vai trò của sức khỏe đối với mỗi con người, cũng như sự nghiệp "kháng chiến kiến quốc". Theo Người, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc đều cần đến sức khỏe, có sức khỏe là có tất cả, sức khỏe không chỉ cần cho mỗi cá nhân mà cho cả quốc gia, dân tộc: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công" [1] . Sức khỏe của mỗi cá nhân có mối quan hệ mật thiết đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe... Dân cường thì nước thịnh" [2].

Empty

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Quân y Hải Phòng (51957) (Ảnh TTXVN)

Người nhấn mạnh sức khỏe chính là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự nghiệp "kháng chiến kiến quốc" đi đến thắng lợi: "Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công" [3]

Do vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của toàn thể xã hội, của mỗi cá nhân. Sức khỏe của mỗi người dân có quan hệ mật thiết đến sức khỏe của cộng đồng, đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc.

Trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò của ngành y tế và đội ngũ các thầy thuốc. Trong “Thư gửi Hội quân y” tháng 3/1948, Người nhắc nhở trách nhiệm của thầy thuốc ngoài việc khám, chữa bệnh, còn phải quan tâm động viên về mặt tinh thần cho người bệnh: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu … người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền” [4].

Empty

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) (Ảnh TTXVN)

Theo Người, vai trò của người thầy thuốc là rất quan trọng trong việc giữ gìn, chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Người thầy thuốc phải là người sống, làm việc có trách nhiệm, tận tâm tận lực phục vụ nhân dân, phải có tình yêu thương con người, luôn coi người bệnh, nhân dân như anh chị em ruột của mình, phải chỉ rõ cho nhân dân biết cách tự chăm sóc sức khỏe của mình: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.” [5]

Trong các lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành y tế, bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của ngành y tế và đội ngũ các thầy thuốc đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vấn đề “y đức” của người thầy thuốc luôn được đặt lên hàng đầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn về đạo đức nhiều nhất. Đạo đức về ngành y được Bác đề cập đến nhiều thứ hai sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung. Người đã dành những tình cảm đặc biệt, sâu sắc đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế khi tặng họ danh hiệu cao quý nhất và đẹp đẽ nhất: “Lương y như từ mẫu”. Đây cũng chính là yêu cầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cho ngành y trong phương châm hành động và cung cách phục vụ nhân dân.

Người chỉ rõ, người thầy thuốc giỏi về chuyên môn thôi là chưa đủ mà còn cần phải có đạo đức nghề nghiệp, phải hết lòng hết sức cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách vô điều kiện. Đó là một nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc và ngành y tế, cần được gìn giữ, phát huy: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. [6]

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ y tế cần phải: thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân “Lương y kiêm từ mẫu”.

Trong thực tiễn cuộc sống, không có tình thương yêu nào có thể sánh bằng mẫu tử, người thầy thuốc tận tâm, tận lực chăm sóc, cứu sống người bệnh trong hoàn cảnh “thập tử nhất sinh” được coi như người mẹ tái sinh cuộc sống một con người.

Xuất phát từ tấm lòng, tình yêu thương của người mẹ đối với người con, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn răn dạy đội ngũ người thầy thuốc, cán bộ y tế cần phải có đó là: thái độ niềm nở, dịu dàng trong tiếp xúc, ân tình, cẩn trọng, chu đáo khi chăm sóc; ân cần, tỉ mỉ lúc dặn dò. Trong những lúc khó khăn, hiểm nghèo thì sẵn sàng chịu khó, chịu khổ, hy sinh quên mình để làm tròn phận sự cứu người.

Bên cạnh đó, nhờ có phẩm chất tình mẫu tử, tình thương của người mẹ hiền thì người thầy thuốc sẽ tránh được những thói xấu như cầu lợi, kể công, phân biệt đối xử, hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc, qua loa, tắc trách trong phục vụ người bệnh, đố kỵ, kèn cựa với đồng nghiệp… Có như vậy, người thầy thuốc mới thực sự là người mẹ hiền theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Vận dụng tư tưởng HCM về y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19 hiện nay

Từ cuối năm 2019 đến nay, cả thế giới đang gồng mình đối phó với một kẻ thù cực kỳ nguy hiểm làm tê liệt tất cả các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội toàn cầu, đe dọa tới tính mạng của hàng tỷ người dân trên thế giới, đó là đại dịch COVID-19.

Empty

Ngành y tế tỉnh Hải Dương tổ chức lễ xuất quân hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chống dịch

Ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 22/01/2020 ở Việt Nam, Đảng, Chính phủ đã xác định đây là dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ lây lan cao, ảnh hưởng đến nhiều người. Do vậy, chúng ta đã có những biện pháp chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã huy động cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Sau 1 tuần kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, ngày 29/01/2020,Ban Bí thư đã ban hành công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh, thành phố, các cơ quan Trung ương yêu cầu phải coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ "trọng tâm, cấp bách". Từ đó, kêu gọi toàn thể nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động để tham gia chống dịch với quyết tâm cao, nỗ lực lớn. 

Ngày 17/3/2020, để ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, có thêm nguồn lực trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Lời kêu gọi "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19". Với mục đích là phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch.

Tiếp đó, ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh".

 Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng giống như một lời hiệu triệu khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết của cả dân tộc cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Kế thừa, phát huy truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết đồng sức đồng lòng từng bước vượt qua khó khăn cùng chung tay phòng chống dịch. Một phong trào tích cực ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra sôi nổi ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương.

Trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19 đó, chúng ta không thể không nhắc tới vị trí, vai trò của ngành y tế và những nỗ lực vượt khó hy sinh không sợ nguy hiểm đi vào “tâm dịch” hứng chịu nguy cơ nhiễm bệnh của người thầy thuốc. Hình ảnh người “lương y như từ mẫu” theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét trong cuộc chiến này. Những chiến sỹ áo trắng trong ngành Y tế đã không kể ngày đêm tham gia thực hiện công tác sàng lọc, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19. Với tinh thần “tất cả vì cộng đồng” các y, bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hy sinh, chia sẻ khó khăn vất vả trong các khu cách ly, điều trị để tranh thủ từng phút, từng giờ cứu chữa cho người bệnh.

  Với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, một phong trào tình nguyện lớn chưa từng có trong ngành Y tế Việt Nam được triển khai thực hiện để đưa những cán bộ, y bác sỹ, sinh viên ngành Y từ những vùng không có dịch đến những vùng “tâm dịch” để hỗ trợ, giúp đỡ. Trong đó, có nhiều sinh viên ngành y mặc dù chưa tốt nghiệp nhưng đã tình nguyện tham gia chống dịch tại các địa phương cũng như xung phong đến những vùng dịch lớn để tăng cường hỗ trợ cho các y, bác sĩ nơi đây. 

Cho đến nay, sau hơn 2 năm xuất hiện, trên thế giới đã có hơn 400 triệu người nhiễm, gần 6 triệu người tử vong (trong đó tại Việt Nam là hơn 2,6 triệu ca nhiễm và gần 40.000 người chết). Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng còn rất nhiều khó khăn với sự xuất hiện của các biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, sự khan hiếm về vaccine… Đó là nguyên nhân gây nên những khó khăn cho Việt Nam và nhiều nước trên thế giới trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, quyết liệt của Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam nhất định vượt qua khó khăn để chiến thắng đại dịch. Việc vận dụng, kế thừa, phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế, y đức  trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trước cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 trong điều kiện hiện nay là việc làm thực sự cần thiết và luôn mang tính thời sự.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 540.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 540.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 88.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 393.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 476.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 288.

Thạc sỹ Vũ Văn Chương

comment Bình luận

largeer