Ngày Thế giới phòng chống bệnh viêm gan siêu vi 28/7/2022: Không thể chần chừ trong ứng phó với viêm gan

Nhân Thế giới phòng chống bệnh viêm gan siêu vi 28/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa dịch vụ chăm sóc viêm gan đến gần các cơ sở y tế ban đầu và cộng đồng hơn để mọi người có cơ hội tiếp cận điều trị và chăm sóc tốt hơn, bất kể họ mắc bệnh viêm gan nào.
28/07/2022 10:42

Theo WHO, mỗi năm có 1.100.000 trường hợp tử vong mỗi năm do viêm gan B và C; 9.400.000 trường hợp được điều trị viêm gan C mạn tính; 10% trường hợp viêm gan B mạn tính được chẩn đoán và trong đó 22% được điều trị; 42% trẻ trên toàn cầu được tiêm liều viêm gan B sau sinh.

Thế giới hiện đang phải đối mặt với một đợt bùng phát mới của bệnh nhiễm trùng viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến trẻ em. WHO cùng với các nhà khoa học và hoạch định chính sách ở các quốc gia bị ảnh hưởng, đang làm việc để tìm hiểu nguyên nhân của sự lây nhiễm dường như không thuộc về bất kỳ loại virus viêm gan nào trong số 5 loại virus viêm gan đã biết: A, B, C, D và E.

Infographic Ngày Thế giới phòng chống bệnh viêm gan siêu vi 2022. Ảnh: TTXVN

Infographic Ngày Thế giới phòng chống bệnh viêm gan siêu vi 2022. Ảnh: TTXVN

Đợt bùng phát mới này tập trung vào hàng nghìn ca nhiễm virus viêm gan cấp tính xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn mỗi năm. Hầu hết, các trường hợp nhiễm viêm gan cấp tính đều gây ra bệnh nhẹ và thậm chí không bị phát hiện. Nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể dẫn đến các biến chứng và gây tử vong. Chỉ tính riêng trong năm 2019, ước tính có khoảng 78.000 ca tử vong trên toàn thế giới do biến chứng của nhiễm trùng viêm gan từ A đến E.

Các nỗ lực toàn cầu ưu tiên loại bỏ các bệnh nhiễm trùng viêm gan B, C và D. Không giống như viêm gan siêu vi cấp tính, 3 bệnh nhiễm trùng này gây ra bệnh viêm gan mãn tính kéo dài trong vài thập kỷ và đỉnh điểm là hơn 1 triệu ca tử vong mỗi năm do xơ gan và ung thư gan. 3 loại viêm gan mãn tính này là nguyên nhân của hơn 95% các ca tử vong do viêm gan. Mặc dù chúng ta có hướng dẫn và công cụ để chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh viêm gan virus mãn tính, nhưng các dịch vụ này thường không tiếp cận được với cộng đồng và đôi khi chỉ được cung cấp tại các bệnh viện trung ương hoặc chuyên khoa.

Nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh viêm gan siêu vi 2022, WHO nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa dịch vụ chăm sóc viêm gan đến gần các cơ sở y tế ban đầu và cộng đồng hơn để mọi người có cơ hội tiếp cận điều trị và chăm sóc tốt hơn, bất kể họ mắc bệnh viêm gan nào.

WHO đặt mục tiêu loại trừ bệnh viêm gan vào năm 2030. Để làm được điều đó, WHO kêu gọi các quốc gia đạt được các mục tiêu cụ thể:

- Giảm 90% các ca nhiễm mới viêm gan B và C

- Giảm 65% các ca tử vong liên quan đến viêm gan do xơ gan và ung thư

- Đảm bảo rằng ít nhất 90% người nhiễm virus viêm gan B và C được chẩn đoán

- Và ít nhất 80% những người đủ điều kiện nhận được sự điều trị thích hợp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới

comment Bình luận

largeer