Ngày thế giới và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7

Trong những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người tại Việt Nam và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi.
30/07/2022 09:01

Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người đang trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; Ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Tội phạm mua bán người ở nước ta phần lớn đều do các đường dây có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước thực hiện. Tệ hơn, chính người trong gia đình cũng tham gia những đường dây phạm tội này để bán người thân ra nước ngoài. Qua nhiều lần tìm hiểu, điều tra, các nguyên nhân chính khiến gia tăng tình trạng mua bán người là do siêu lợi nhuận; Mất cân bằng về giới; Khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; Xuất nhập cảnh chưa kiểm soát hiệu quả; Mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; Công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để hạn chế nhiều hệ luỵ mua bán người đáng tiếc từ những sự bất ổn nêu trên, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 793/QĐ-TTg, lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.

Được biết, ngày 30/7 trùng với “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” được Liên Hợp Quốc chọn từ năm 2013. Hàng năm, ngày 30/7 được lấy như một cột mốc để thế giới quan sát, nhìn nhận về tình hình mua bán người, qua đó nâng cao nhận thức về tình hình của các nạn nhân nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ. 

Truớc đó, vào ngày 8/4/2020, Ban Chỉ đạo 138/CP ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ hưởng ứng Ngày 30/7, với sự tham gia của rất nhiều cơ quan liên ngành ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đây chính là thành quả của sự nỗ lực không ngừng, đồng hành cùng với cộng đồng quốc tế của chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống mua bán người sau những năm vừa qua.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của chính phủ, để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, quan trọng nhất mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân để tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động.

- Luôn cảnh giác với những lời hứa hẹn tìm việc, rủ hợp tác làm ăn, tìm việc làm có thu nhập cao cả trong nước và nước ngoài.

- Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.

- Nếu có kế hoạch đi xa, hãy tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Đừng quên tham khảo ý kiến mọi người và thông báo cho gia đình trước khi đi xa.

- Thường xuyên cập nhật tin tức, kiến thức để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán.

- Luôn chuẩn bị cho bản thân địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,... để liên hệ giúp đỡ khi cần thiết.

- Hãy tuyên truyền cho người thân, bạn bè trong cộng đồng người Việt Nam biết và cảnh giác trước những thủ đoạn của tội phạm mua bán người: Hứa hẹn giới thiệu việc làm nhàn hạ, thu nhập cao để lừa bán ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động; Hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm mục đích lừa bán ra nước ngoài để cưỡng ép kết hôn, bóc lột tình dục; Sinh con ở nước ngoài rồi bán trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn trong bào thai cho người bản địa …

- Hiểu rõ hậu quả của việc mua bán người: Bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn; Bị bóc lột tình dục; Có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (HIV/AIDS…); Bị sang chấn tâm lý (lo sợ, mặc cảm...).

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer