Nghệ An: Một số giải pháp bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên

Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên cần triển khai cả 2 hướng: Bảo tồn và khai thác có kế hoạch dược liệu trong tự nhiên; Phát triển dược liệu dưới tán rừng và trồng tập trung một số loài cho phép.
01/12/2023 10:13

Với hơn 1,16 triệu ha đất lâm nghiệp, cùng với độ che phủ đạt 58,36%, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, với nhiều hệ sinh thái đặc thù, kết quả thống kê điều tra tài nguyên rừng cho thấy tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 1.513 loài thực vật bậc cao; 942 loài động vật có xương sống(bao gồm 241 loài thú; 376 loài chim; 192 loài lưỡng cư, bò sát...) Đặc biệt, miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, có tiềm năng lớn cho phát triển cây dược liệu, theo số liệu điều tra chưa đầy đủ, đến năm 2005, đã ghi nhận có 962 loài cây thuốc thuộc 365 chi, 183 họ. Điều đặc biệt là những cây thuốc quý hiếm ở trong nước đều được phát hiện ở miền Tây Nghệ An như Sâm Puxailaleng, Tam thất, Đảng sâm, Lan Kim tuyến, Bảy lá một hoa, Hà thủ ô, Ba kích tím, Nấm Linh chi, Nấm Ngọc cẩu, Cà gai leo, Giảo cổ lam…

Có thể nói, miền Tây tỉnh Nghệ An có tiềm năng bảo tồn và khai thác và phát triển bền vững cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên rất lớn. Đây là một lợi thế so sánh có sức cạnh tranh cao của Nghệ An so với các tỉnh khác, nhưng hiện nay do áp lực của sự phát triển kinh tế, xã hội và dân sinh mà các tác động xấu đến tài nguyên rừng ngày càng tăng nhanh, bao gồm: Khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trái phép; Săn bắt động vật rừng; Khai thác khoáng sản; Chuyển đổi đất rừng thành đất trồng cây công nghiệp, đất xây dựng công trình; Cháy rừng.

Chính vì vậy, mặc dù diện tích và độ che phủ rừng tăng, nhưng xu hướng diễn biến của ĐDSH ở Nghệ An đang có chiều hướng suy thoái, do làm nhiễu loạn các hệ sinh thái và nơi ở của các loài, làm mất dần sinh cảnh sống và nguồn thức ăn của các loài; làm tăng tỷ lệ tử vong và giảm tỷ lệ sinh, quần thể các loài bị suy giảm mạnh, gia tăng tình trạng săn bắt, dịch bệnh và sự xâm hại của các loài ngoại lai…. Và ngày càng thấy rõ số loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cục bộ có xu hướng tăng lên. Để gia tăng giá trị sử dụng rừng và đất lâm nghiệp gắn với phát triển nhanh và bền vững, giải quyết việc làm và từng bước nâng cao đời sống cho người dân vùng đồi núi, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, gây ra các thảm họa thiên nhiên và tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, bao gồm Việt Nam và tỉnh Nghệ An nói riêng.

1a638320538773065041

Nghệ An có tới gần 1.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý hiếm và có giá trị kinh tế cao

Cần thiết phải có một số giải pháp bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên miền Tây tỉnh Nghệ An như sau:

  - Tập trung thu hút đầu tư nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển dược liệu và xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đây là một lĩnh vực mới, do vậy cần có sự hợp tác kết nối chặt chẽ giữa 5 nhà: Nhà nước - Nhà Doanh nghiệp - Nhà Khoa học - Nhà nông - Ngân hàng, trong Nhà nước đóng vai trò cầu nối và hỗ trợ. để xây dựng các mô hình kinh tế xanh bằng cách đầu tư, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên (Sâm Puxalaileng, Ba kích, Sa nhân, Tam thất, nấm Linh chi…) … Do vậy các nhà đầu tư  phải thực quan tâm, đầu tư, công bằng trong việc chia sẻ lợi ích cho cộng đồng bản địa từ việc sử dụng ĐDSH trong khai thác tài nguyên rừng bền vững.

- Xây dựng mạng lưới điểm bảo tồn cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên ở 3 địa bàn vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An là: Pù Mát, Pù Huống và Pù Hoạt kết hợp với du lịch sinh thái.

- Có chính sách phù hợp để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng trên cơ sở người dân được hướng dẫn khai thác hợp lý và trồng dược liệu dưới tán rừng. Bởi người dân trong vùng dự trữ sinh quyển vừa là chủ thể quản lý, chủ thể được hưởng lợi từ rừng và là một mắt xích trong hệ sinh thái không thể tách rời.

- Có cơ chế hỗ trợ để bảo tồn và thương mại hoá các bài thuốc dân gian (trước mắt lựa chọn một số bài thuốc quý để hỗ trợ nghiên cứu tác dụng dược lý

thực nghiệm lâm sàng, đánh giá dược tính,…) nhằm khuyến khích phát triển y học cổ truyền và bảo tồn tri thức bản địa các dân tộc trên địa bàn.

- Khuyến khích hình thành các tổ chức sản xuất giống dược liệu đảm bảo tiêu chuẩn nhằm cung cấp cho nhân dân và trồng khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh.

- Cần triển khai cho nhân dân/doanh nghiệp áp dụng thực hành tiêu chuẩn GACP đối với vùng dược liệu (GAP- đối với trồng, GCP đối với khai thác, thu hái tự nhiên).

- Đẩy mạnh và ưu tiên hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khai thác phát triển dược liệu (từ khâu sản xuất giống, canh tác, sơ chế bảo quản dược liệu), chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh.

- Có cơ chế riêng biệt đối với nhóm cây dược liệu quý để quản lý vấn đề khai thác trong tự nhiên. Phải coi dược liệu là lâm sản đặc thù, từ đó cơ quan chức năng được Tỉnh giao nhiệm vụ: Hướng dẫn các chủ rừng, người dân khai thác có sự kiểm soát, có kế hoạch và cấp chứng nhận xuất xứ.

- Đẩy nhanh lộ trình điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nhất là đối tượng dược liệu trên khu vực miền Tây, đồng thời sớm hoàn thành Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An.

- Hình thành các Hợp tác xã, doanh nghiệp để kết nối ngang giữa các hộ dân trong lĩnh vực khai thác (trong tự nhiên), trồng dược liệu để hợp tác/kết nối dọc với các doanh nghiệp tiêu thụ và sản xuất, đồng thời là cơ sở để áp dụng các giải pháp kỹ thuật đòi hỏi của chuyên ngành dược.

- Thực hiện Chương trình bảo tồn, khai thác và phát triển quỹ gen, đẩy mạnh khai thác phát triển, trong đó giai đoạn trước mắt ưu tiên nhóm dược liệu làm nền tảng để kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược liệu (nghiên cứu phân tích dược tính, kỹ thuật sản xuất giống, canh tác,… các loài dược liệu quý hiện có trên địa bàn Nghệ An). Trước mắt, tập trung vào một số đối tượng như: Sâm Puxailaleng,Tam thất, Hà Thủ ô, Ba kích tím, Đảng sâm, Giảo cổ lam, Bảy lá một hoa, Lan Kim tuyến.

- Nhân rộng mô hình cho các nhà đầu tư được thuê môi trường rừng nhằm trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, như Công ty CP dược liệu Mường Lống đã được nhận giao khoán 2.000 ha rừng tự nhiên và tiến hành gây trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên rất thành công ở xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn).

Phát triển cây dược liệu là một lợi thế cạnh tranh cao, là một tiềm năng rất lớn của Việt Nam nói chung và đặc biệt là Nghệ An nói riêng. Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên cần triển khai cả hai hướng: Bảo tồn và khai thác có kế hoạch dược liệu trong tự nhiên; Phát triển dược liệu dưới tán rừng và trồng tập trung một số loài cho phép. Điều này vừa tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, vừa khuyến khích người dân bảo vệ rừng, đồng thời tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đảm bảo được nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên miền Tây tỉnh Nghệ An.

Hùng Tú

comment Bình luận

largeer