Nghệ An ứng phó khẩn trương phòng chống bão số 4

Cơn bão số 4 có tên quốc tế Noru đang đang tiến vào Biển Đông có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ.
26/09/2022 13:25

Tối ngày 25/9, UBND tỉnh Nghệ An có Công điện số 20/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4. Công điện nêu rõ: Cơn bão có tên quốc tế Noru đang tiến vào Biển Đông (và sẽ trở thành cơn bão số 4 hoạt động trên Biển Đông từ đầu năm 2022), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi vào Biển Đông, có khả năng bão số 4 vẫn duy trì sức gió rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 16 (khi đến Nam quần đảo Hoàng Sa), khi vào gần bờ có thể vẫn mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.

Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo từ ngày 26/9, bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và Bắc Biển Đông, chiều tối ngày 27/9 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ.

1

Cơn bão số 4 có tên quốc tế Noru (Ảnh Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)

Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, tính đến 10h ngày 25/9, Nghệ An có 3.009 phương tiện với 13.778 lao động đang neo đậu tại bến; 339 phương tiện/2.019 lao động đang hoạt động trên biển; không có phương tiện nằm trong khu vực nguy hiểm.

Các tàu thuyền này đều đã được thông báo về vị trí, hướng đi của bão Noru và giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Toàn tỉnh có 20.583 ha nuôi trồng thuỷ sản; và người dân đã được các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên thông báo về diễn biến bão Noru để chủ động các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại.

Nghệ An cũng đã thu hoạch 73.783 ha/108.770 ha sản xuất hè thu - mùa; trong đó, lúa 60.328 ha/82.604 ha, ngô 4.120ha/10.719 ha, lạc 274 ha/626 ha… Hiện bà con đang khẩn trương thu hoạch 22.276 ha lúa còn lại theo tiêu chí “xanh nhà hơn già đồng”.

Trong số 1.061 hồ, đập lớn, nhỏ, khoảng 65% số hồ đã chứa đầy dung tích, và đang được triển khai vận hành theo phương án phòng, chống thiên tai được phê duyệt, trong đó hai hồ lớn là hồ Vực Mấu và hồ sông Sào đã xả tràn.

Một số thủy điện xả lũ để ứng phó với mưa bão

Nghệ An có khả năng ảnh hưởng bởi bão Noru nên một số nhà máy thuỷ điện trên địa bàn tỉnh phải tiến hành xả lũ để đảm bảo an toàn hồ chứa. Để đảm bảo công tác vận hành, điều tiết nước các hồ chứa thủy điện an toàn theo đúng quy trình đơn hồ và quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông đã được phê duyệt, các hồ chứa sẽ được vận hành điều tiết như sau:

Công ty cổ phần PRIME Quế Phong (huyện Quế Phong) vận hành điều tiết hồ chưa thuỷ điện Châu Thắng bắt đầu từ 12h00 ngày 25/9; lưu lượng xả từ 76 m3/s - 400 m3/s; bao gồm lưu lượng xả qua cửa van và lưu lượng phát điện qua các tổ máy và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ. Thời gian kết thúc xả đến khi hết ảnh hưởng của đợt mưa lớn gây ra.

Hồ chứa Thủy điện Hủa Na sẽ xả điều tiết nước từ 17h00 chiều nay ngày 25/9 với lưu lượng xả dự kiến khoảng 261 m3/s.

2

Một số thủy điện sẽ điều tiết xả nước để ứng phó với mưa bão

Công ty cổ phần Thuỷ điện Hủa Na cũng dự kiến vận hành xả nước điều tiết hồ chứa Thủy điện Hủa Na từ 17h00 chiều nay ngày 25/9. Với lưu lượng xả dự kiến khoảng 261 m3/s, bao gồm lưu lượng xả qua tràn, qua nhà máy, qua van môi trường. Lưu lượng xả về hạ du sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ Hủa Na. Thời gian kết thúc xả đến khi hoàn thành quá trình vận hành điều tiết hồ.

Tiếp đến là Công ty cổ phần Thủy điện Quế Phong xả nước hồ chứa thủy điện Bản Cốc từ 12h30 ngày 25/9. Với lưu lượng xả từ 11m3/s - 120m3/s, bao gồm lưu lượng qua cửa xả van, lưu lượng qua tràn và lưu lượng phát điện qua các tổ máy.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã thông báo cho: Ủy ban nhân dân các huyện Quế Phong và Quỳ Châu; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh được biết để thông báo cho chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư đang thi công ở ven sông, trên sông, các chủ phương tiện vận tải thủy và toàn thể nhân dân trên địa bàn thuộc hạ du các nhà máy thủy điện Châu Thắng, Bản Cốc và Hủa Na biết để triển khai các công việc cần thiết.

Đồng thời, có các biện pháp đối phó phù hợp với từng tình huống nhằm hạn chế tác hại do việc đóng, mở các cửa van đập tràn gây ra, nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Trước đó, có 2 nhà máy thuỷ điện cũng xả điều tiết nước là hồ chứa thủy điện Sông Quang vận hành xả bắt đầu từ 10h30, ngày 24/9/2022 với lưu lượng xả từ 30 – 100m3/s. Còn hồ chứa thủy điện Bản Ang tiến hành xả từ đêm 23/9 với tổng lưu lượng xả khoảng 200m/s đến 500m/s.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu lưu ý đối với những hồ thủy điện tiến hành xả lũ cần phải kịp thời thông tin đến người dân được biết. Đối với những công trình trọng điểm, những công trình ven sông, ven suối phải có phương án đảm bảo an toàn. Đối với phương án di dời dân, tỉnh đã ban hành kịch bản cho từng tình huống nên yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến của thời tiết để thực hiện.

Phạm Thắng – Lê Hoàn

comment Bình luận

largeer