Nghị định về chính sách miễn giảm học phí chính thức có hiệu lực từ 15/10

Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo đó, Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021.
15/10/2021 21:20

Cụ thể, có 2 đối tượng không phải đóng học phí là: Học sinh tiểu học trường công lập; Người học các ngành đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học, ngành chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Quy định mới này có 19 đối tượng được hưởng miễn giảm học phí. So với quy định trước đây tại Nghị định 86 năm 2015, Nghị định 81/2021 đã bổ sung các trường hợp học sinh, sinh viên được miễn học sau:

- Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

- Trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 5 Điều này được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025 (được hưởng từ ngày 1/9/2024).

- Học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí từ năm học 2022 - 2023 (được hưởng từ ngày 1/9/2022).

- Học sinh trung học cơ sở không thuộc đối tượng tại khoản 8 Điều này được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 (được hưởng từ ngày 1/9/2025).

- Người học thuộc các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ.

- Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Điểm đáng chú ý trong quy định về các đối tượng được miễn học phí theo Nghị định 81 là tất cả trẻ em 5 tuổi sẽ được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025, tất cả học sinh trung học cơ sở sẽ được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026. 

Theo quy định, có 5 trường hợp học sinh, sinh viên được giảm 50% hoặc 70% nếu thuộc các đối tượng được quy định tại Điều 16 Nghị định 81 năm 2021.

Cùng với đó, theo khoản 3 Điều 16, học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí. Đây là quy định mới trong chính sách miễn, giảm học phí của học sinh, sinh viên mà trước đây chưa từng có.

miengiamhocphi

(Ảnh minh họa)

Học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông: 

Mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Về khung học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông năm học 2021 - 2022, Nghị định quy định: Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí do hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành năm học 2020 - 2021 đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

Học phí đối với giáo dục đại học: 

Mức trần học phí đại học năm học 2021 - 2022 từ 980.000 đến 1.430.000 đồng/sinh viên/tháng. Mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đối với các ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học công lập được áp dụng bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước quy định áp dụng cho năm học 2020 - 2021, mức cụ thể như sau:

Mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đối với các khối ngành đào tạo trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quy định từ 980.000 đến 1.430.000 đồng/sinh viên/tháng.

Từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1.200.000 đến 3.500.000 đồng/sinh viên/tháng.

Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí nêu trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer