Người cao tuổi vẫn chưa được tiêm phòng vaccine Covid-19 tại Trung Quốc

Theo hướng dẫn của chính phủ, chỉ người từ 18-59 tuổi mới đủ điều kiện tiêm hai loại vaccine được phê duyệt. Cho nên, dù là nhóm có nguy cơ gặp triệu chứng nặng do Covid-19, người cao tuổi vẫn phải chờ đợi.
14/02/2021 11:07

"Nếu có vaccine dành cho người già, tôi sẽ đăng ký luôn, nhưng chả biết bao giờ mới tới lượt", bà Zhang Yiping, 67 tuổi, sống tại Côn Minh, tâm sự. Nghỉ hưu cho phép bà Zhang tận hưởng cuộc sống, đi du lịch và ghé thăm gia đình con gái ở châu Âu. Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát làm kế hoạch của bà đổ vỡ. "Không có vaccine, tôi không thể bảo vệ bản thân khỏi virus. Tôi không thể làm gì cả", bà nói.

Thống kê cho thấy người cao tuổi có khả năng xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong vì biến chứng cao hơn. "Nhóm này thường có phản ứng miễn dịch yếu hơn khi bị nhiễm virus. Họ sẽ bị ốm nặng nếu mắc Covid-19", Shen Yinzhong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Trung tâm Y tế Công cộng Thượng Hải, cho biết. Tại phía bắc Trung Quốc, đợt bùng phát gần nhất bắt đầu vào giữa tháng 12/2020, xảy ra ở những người phần lớn trên 60 tuổi. Nhiều người có tiên lượng nặng và hai trường hợp qua đời ở tuổi 68 và 87.

covid

Cho đến nay, những người làm công việc có nguy cơ lây nhiễm cao như nhân viên y tế và hải quan được ưu tiên tiêm phòng ở Trung Quốc. Chính sách này phù hợp với tình hình dịch bệnh có thể kiểm soát được tại nước này, khác với các quốc gia phương Tây. Bên cạnh đó, tính hiệu quả đối với người trên 59 tuổi của cả hai loại vaccine Trung Quốc đều chưa rõ.

Ngày 31/12/2020, Trung Quốc cấp phép cho vaccine Covid-19 đầu tiên được phát triển bởi hãng dược phẩm Sinopharm. Do dịch bệnh đã dần được đẩy lùi trong nội địa, Trung Quốc mở rộng thử nghiệm vaccine ở các nước như Morocco và các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất. Tuy nhiên, chỉ người 18-59 tuối mới tham gia vào thử nghiệm lớn giai đoạn 3. Sinopharm cho biết sản phẩm của họ có hiệu quả 79% trong ngăn ngừa Covid-19

"Khi phát triển một vaccine mới, việc thử nghiệm trên người khỏe mạnh thay vì nhóm dễ tổn thương như người già và trẻ em là điều bình thường. Khi đã hiểu rõ tác dụng của vaccine, các nhà khoa học chắc chắn sẽ thử trên người cao tuổi", ông Shen cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng kế hoạch thử nghiệm cần tính đến đối tượng dễ tổn thương nhất. "Mục tiêu của vaccine là bảo vệ những cư dân có nguy cơ bị nhiễm virus và tử vong cao nhất", theo Wang Jun, một nhà dược học tại Đại học Arizona, Mỹ. Việc bỏ qua nhóm này khiến khả năng bảo vệ của vaccine đối với toàn dân bị giảm.Ngày 6/2, Trung Quốc cho phép lưu hành vaccine CoronaVac của Sinovac. Vaccine này cho hiệu quả phòng chống Covid-19 khoảng 50% trong một thử nghiệm trên 12.000 người ở Brazil. Trong số này, chỉ có 600 người trên 59 tuổi, với độ tuổi trung bình là 65,3. Báo cáo của giới chức y tế Brazil kết luận chưa thể xác định rõ hiệu quả của vaccine đối với người từ 60 tuổi trở lên. Trong khi đó, 42% người tình nguyện tiêm vaccine Pfizer-BioNTech ở độ tuổi 55-91 và khoảng 25% người từ 65 tuổi trở lên tham gia vào thử nghiệm của Moderna.

Dù chưa đủ dữ liệu, chính phủ Indonesia thông báo hôm 7/2 rằng họ bắt đầu tiêm vaccine CoronaVac cho người trên 59 tuổi, dựa vào kết quả thử nghiệm lớn ở Brazil và một nghiên cứu của Trung Quốc bao gồm 420 người. Công trình này được đăng trên tạp chí The Lancet, cho thấy vaccine an toàn với người cao tuổi. Sinovac khuyến cáo chính quyền cần xem xét tình trạng sức khỏe và nguy cơ lây nhiễm của người già khi đánh giá độ cần thiết của việc tiêm phòng.

Trung Quốc chưa cho biết khi nào sẽ có kế hoạch tiêm phòng cho người cao tuổi. Trong một cuộc họp báo vào tháng trước, Wang Bin, quan chức tại Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết vaccine đang được triển khai một cách trật tự. Với nhiều dữ liệu hơn và nguồn cung vaccine tăng lên, ông cho biết chính phủ sẽ mở rộng nhóm đối tượng bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên.

Nhiều người cao tuổi tỏ ra sốt ruột hoặc phân vân.

"Tôi muốn được tiêm vaccine nhưng đồng thời vẫn hoài nghi. Chúng ta đang đối mặt với một loại virus mới và vaccine chỉ vừa mới được phát triển", bà Yang, 61 tuổi, sống tại thành phố Đức Dương, cho biết.

Trước thông tin về những tác dụng phụ của vaccine ở phương Tây, bà Yang cảm thấy không chắc chắn về vaccine của Trung Quốc. "Tôi nghĩ ai ở độ tuổi của tôi đều muốn tiêm phòng. Chúng tôi đã nghỉ hưu và có thể tận hưởng cuộc sống, chăm sóc con cháu, nhưng dù làm gì cũng cần sức khỏe", bà Yang nói thêm.

Ông Wang Jun cảnh báo nếu Trung Quốc không nhanh chóng tiêm phòng cho người cao tuổi thì khi các quốc gia khác sẵn sàng dỡ bỏ lệnh cấm đi lại, nhóm cư dân dễ bị tổn thương nhất vẫn không được bảo vệ.

"Chúng tôi không biết liệu vaccine có thể ngăn chặn sự lây truyền của virus hay không. Việc mở cửa biên giới sẽ khiến người già gặp nguy hiểm, nhưng đóng cửa lại gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế", ông nói.

Nếu được tiêm phòng và du lịch trở nên khả thi hơn, bà Zhang có kế hoạch đến Nam Cực. "Còn 13 năm nữa cho đến khi tôi 80 tuổi. Ngày tháng sẽ trôi qua trong nháy mắt. Tôi chỉ muốn thực hiện ước mơ của mình và đến những nơi tôi muốn trước khi quá muộn", bà chia sẻ.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer