Người dân dầm mưa bên quốc lộ xin cứu trợ, giúp qua cơn đói ở Quảng Bình

Ngày 21/10, tỉnh Quảng Bình vẫn mưa nặng hạt, người dân vùng lụt bị cô lập phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.
22/10/2020 10:34

Những tốp người van xin cứu giúp đồ ăn bên quốc lộ

Bên tuyến đường tránh qua huyện Lệ Thuỷ, người dân đứng thành từng tốp trải dài ven đường, có cả người già, trẻ nhỏ, họ vẫy tay cầu cứu mong nhận sự giúp đỡ từ những chiếc xe tải, xe con đi qua.

"Nhà ngập hết rồi, chẳng còn thứ gì có thể nấu được, điện thì mất nên mấy ngày nay dân chúng tôi phải xin đồ cứu trợ. Họ cho gì ăn đấy, cứ có ăn là quý rồi, thèm cơm lắm mà không có", bà Chu Thị Hiền (56 tuổi, người dân xã Cam Thủy) nói.

hug7512-1603303186279325677047

Dưới cơn mưa rả rích có lúc nặng hạt, họ mặc chiếc áo mưa đứng co ro sát mép đường. Thi thoảng, một chiếc xe tải chở hàng cứu hộ đi qua dừng lại, trên xe có gì cho đấy, mỳ tôm, nước, bánh khô, sữa hộp….

Mỗi chiếc xe dừng lại, người dân lại ào đến để xin cứu trợ: "cho tôi xin mỳ tôm đi, có bánh gì không, có cơm không anh chị ơi…", cái gì ăn được, họ bóc ăn ngay tại chỗ.

hug7493-16033031643941030155488

Có đoàn từ thiện đi qua hết hàng, thấy hoàn cảnh đáng thương đã dừng hỏi thăm tình hình rồi hứa "sẽ sớm mang thực phẩm quay lại" và lên xe đi tiếp.

Đàn lợn ăn ngủ trên đường

Đi sâu vào địa phận xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy (cách tuyến đường chánh hơn 1 km), nước bắt đầu rút hơn một ngày nay nhưng nhiều căn nhà của dân vẫn ngập lênh láng, nơi nông nhất cũng vài chục 30 cm.

Điện mất làm cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn. Ruộng vườn, hoa màu bị cuốn trôi hoặc ngập úng gây thiệt hại nặng về kinh tế. "Chúng tôi giờ chẳng mong gì, chỉ muốn nước rút nhanh để dọn dẹp nhà cửa, khổ lắm rồi, nước sạch không có uống", một người dân buồn rầu nói.

Trên con đường bê tông dẫn vào xã Cam Thủy toàn bùn đất, ông Đặng Văn Nam mặc chiếc áo mưa mỏng bị rách loang lổ đang đổ cám bột cho đàn lợn ăn.

hug7646-16033031875491453640493

Căn nhà ông Nam ở khu vực trũng, mấy ngày trước trời đổ mưa lớn, nước dâng, gia đình ông kịp chuyển đồ đạc lên cao. Đàn lợn hơn 100 con vừa đủ lớn để bán thịt bị chết một nửa vì đuối nước, số còn lại ông Nam lùa lên vị trí đất cao rồi dựng cọc gỗ chống tạm chiếc bạt lên che mưa gió.

Hàng ngày, gia đình ông thay phiên nhau cử người trông coi không cho chúng chạy đi khắp nơi phá hoại vườn hoặc đi vào nhà dân.

"Nuôi thế này phải chấp nhận rủ do thôi, nước dâng nhanh quá làm chết nhiều, thiệt hại cũng kha khá… giờ chỉ còn ba con nái làm giống và vài con lợn con", ông Nam nói.

hug7570-1603303186698684946799

Cùng cảnh với ông Nam, gia đình bà Thủy nhiều ngày qua cũng phải dựng tạm chiếc lán nhỏ bên đường cho đàn lợn ở. Ban ngày, bà mặc áo mưa ngồi sát mép taly lấy tấm tôn nhỏ làm mái che, buổi tối gia đình cử người khác trông coi.

"Không biết bao giờ nước mới rút để lùa chúng về, mấy ngày nay mệt và khổ quá", bà Thủy giãi bày rồi đưa ánh mắt nhìn những con lợn đang nằm co ro trên cát vì lạnh, da thịt chúng chầy xước, nổi vết thương đỏ khắp thân.

Những chiếc thuyền nhỏ rẽ đôi sóng nước đưa đồ tiếp tế cho dân

Trưa 21/10, tại ngã tư Cam Liên, huyện Lệ Thủy, hàng chục xe tải chở hàng cứu hộ của các đoàn từ thiện từ khắp nơi tấp nập dồn về ùn ứ, đứng xếp thành hàng dài. Bên mép Quốc lộ 1A, từng đoàn thanh niên trai tráng đang chạy đua nước rút đưa đồ tiếp tế vào thị trấn Kiến Giang trước khi trời tối.

Đã hơn một tuần trôi qua, hai anh Hoàng Văn Luân và Nguyễn Phi Hoàn (thuộc nhóm cứu hộ tự động) sống trong cảnh ngâm mình dưới trời mưa rét, trên người chỉ mặc chiếc ao phông, quần ngắn đến gối và khoác chiếc áo phao màu đỏ bên ngoài. "Áo này an toàn, giữ ấm luôn, còn lúc em dồn sức trèo thuyền thì vã mồ hôi", anh Luân nói.

base64-16033051373111095678868

Anh kể mỗi ngày phải trèo thuyền 3 đến 4 lượt chở từng kiện mỳ tôm, lương khô, nước, cơm và các vật dụng sinh hoạt cần thiết băng qua chặng đường "thủy" gần 10km đến với người dân.

Chiếc thuyền đóng bằng gỗ rộng chỉ 1 mét, chiều dài hơn 15 mét chứa được cả tấn hàng, mỗi chuyến cần ít nhất khoảng 10 người trèo chống và 1 người làm "hoa tiêu" cổ vũ.

Chặng đường gần chục cây số băng qua dòng nước mênh mông ấy có nơi sâu nhất lên đến 5 mét, nhiều đoạn gió lớn, sóng đánh nghiêng nước tràn vào khoang nhưng không làm lật được con thuyền. "Tụi em toàn người từng đua thuyền của xã, anh ngồi giữ yên vị trí không phải lo gì cả", anh Hoàn nói.

Cứ mỗi đoạn vượt sóng lớn, "hoa tiêu" lại bắt nhịp hô lớn "lên, lên, lên, một, hai, ba, lên" để đốc thúc những người cùng trèo dồn sức vượt lên.

hug7705-16033031877001507282154

Con đường thuyền di chuyển có lúc băng qua giữa cánh đồng, lúc lại thẳng tiến theo con đường liên huyện. Những căn nhà sát đó ngập sâu ngang cổ người, dân đã sơ tán đồ đạc lên cao, họ sống trên tầng hai, nếu nhà cấp bốn họ tự thiết kế chiếc gác xép để có chỗ nằm duỗi.

Đầu giờ chiều, con thuyển chở khoảng 1 tấn hàng hóa của hai anh cập bến tập kết tại cầu Kiến Giang, nơi duy nhất trong thị trấn của huyện Lệ Thủy không bị ngập.

Tại đây, khoảng hơn 10 chiếc thuyền nhỏ tiếp nhận hàng rồi tỏa đi khắp các ngõ ngách phát cho người dân, mỗi chiếc thuyền có 2 – 3 người hỗ trợ nhau, người trèo lái, người phát đồ.

Thị trấn Kiến Giang bị ngập sâu đến 1,5 mét đã hơn một tuần nay, có nơi ngập đến gần hết tầng một của ngôi nhà. Người dân di chuyển đồ đạc vật dụng lên tầng hai, họ sống và chịu cảnh mất điện, nước uống, nước tắm rửa, lương thực tích trữ đã hết, giờ chỉ trông chờ vào những gói mỳ, xuất cơm hộp hoặc những chiếc bánh chưng, gói lương khô từ đoàn cứu trợ.

Theo Pháp luật bạn đọc

comment Bình luận

largeer