Người dân được đăng ký tiêm vaccine qua mạng

Trong chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất lịch sử, ứng dụng công nghệ trong quản lý tiêm chủng, từ đăng ký tiêm đến thiết lập “hộ chiếu vaccine” cho từng người dân đã được triển khai.
12/07/2021 09:55

Chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí lớn nhất lịch sử đã được Chính phủ chính thức khởi động. Có rất nhiều điểm đặc biệt trong chiến dịch lịch sử này, từ việc thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vaccine nhanh nhất, huy động tổng lực hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng trong cả nước cho tới việc triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý tiêm chủng, tiến tới thiết lập “hộ chiếu vaccine” cho từng người dân.

Minh bạch nguồn vaccine

Dự kiến sẽ có hơn 100 triệu liều vaccine cung cấp cho người dân trong năm 2021, hướng tới đạt 150 triệu liều vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để công khai, minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, tất cả thông tin về số lượng vaccine, các liều đã tiêm và chưa tiêm... đều được cập nhật trên nền tảng quản lý tiêm chủng.

z2608481169926_38af47afa4b50a7680d1b830c4f134ec

Theo đó, các đơn vị tiêm chủng phải cập nhật thông tin về kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng, số lượng liều vaccine được nhập, thông tin vị trí, số bàn tiêm, kết quả số lượng người dân được tiêm, số lượng hoãn tiêm và số lượng được cấp chứng nhận tiêm chủng (lần 1 và lần 2)... tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn. Trong trường hợp nguồn vaccine phân bổ hạn chế, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng, xếp lịch tiêm chủng theo giờ phải được thực hiện trước khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm.

Đăng ký tiêm online, nhận lịch tiêm qua tin nhắn

Đại diện Tập đoàn Viettel, đơn vị được giao xây dựng nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine COVID-19 quốc gia, cho biết nền tảng gồm 4 hệ thống: ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (SKĐT), Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC). Trong đó, người dân/tổ chức có thể đăng ký tiêm vaccine trực tuyến cho tới tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng trên app Sổ SKĐT hoặc website Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Nền tảng cũng giúp các cơ quan quản lý nắm bắt thông tin thời gian thực về khu vực, đối tượng tiêm... để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất.

Cụ thể, người dân sau khi đăng ký tiêm sẽ nhận được lịch tiêm qua tin nhắn tự động, địa điểm tiêm (thứ tự tiêm sẽ do địa phương sắp xếp và thông báo), không mất thời gian chờ đợi lâu hay phải khai báo lại thông tin cá nhân khi đến điểm tiêm. Người dân sẽ được nhận kết quả tiêm là chứng nhận tiêm chủng điện tử trong Sổ SKĐT, đây là nền tảng cho việc thực hiện “hộ chiếu vaccine”, thuận lợi cho di chuyển trong nước cũng như nước ngoài trong tương lai.

Ngoài ra, Trung tâm đáp ứng MCC (gồm Chính phủ, Bộ Y tế, Quốc phòng, Bộ TT-TT, các Sở Y tế địa phương...) sẽ nắm bắt điều hành danh sách đối tượng đăng ký tiêm, lập kế hoạch phân bổ (đối tượng, điểm tiêm, vaccine, số lượng, thời gian), quản lý điểm tiêm chủng, tiến độ tiêm chủng cũng như phân bổ vaccine.

Thứ tự tiêm do địa phương sắp xếp

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết để đăng ký tiêm, người dân sẽ cung cấp thông tin cá nhân trên bảng đăng ký, gồm các thông tin cá nhân, đối tượng tiêm...

Tuy nhiên, ông Nam lưu ý: “Không phải cứ đăng ký trước là được tiêm trước. Trên hệ thống sẽ không thể hiện việc đăng ký trước sẽ được tiêm trước. Việc đăng ký trực tuyến giúp các thông tin khai báo được tiếp nhận nhanh nhất, tránh thất lạc, trùng lặp thông tin, người dân không phải đến cơ sở tiêm chủng”.

Lý do, việc triển khai tiêm chủng trên địa bàn căn cứ theo lượng vaccine địa phương được tiếp nhận. Các thông tin cá nhân đăng ký trực tuyến được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. Các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Khi có vaccine, sẽ có tin nhắn báo cho người dân, hẹn thời gian đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể.

“Thời điểm tiêm chủng phụ thuộc vào số lượng và thời điểm vaccine mà địa phương đó được tiếp nhận. Hiện nay, vaccine được ưu tiên cho TP.HCM và các điểm nóng của dịch, nên việc tiêm chủng vaccine ở các địa bàn khác có thể chậm hơn. Và ngay tại địa phương, tiêm chủng sẽ theo lịch cụ thể, do địa phương thông báo”, ông Nam cho biết. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác truyền thông để người dân biết được kế hoạch phân bổ vaccine COVID-19 sẽ được ưu tiên cho khu vực nào và nhóm đối tượng nào, qua đó chủ động đăng ký cho phù hợp.

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, về nguyên tắc chung, việc bao phủ vaccine sẽ lựa chọn các vùng dân cư, địa bàn có yếu tố nguy cơ cao về lây nhiễm để triển khai tiêm. Ví dụ: nơi có các ca bệnh trong cộng đồng, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn; trong khu công nghiệp/chế xuất là nơi có nhiều yếu tố thuận lợi khiến dịch lây lan nhanh, cần được kiểm soát dịch hiệu quả để tránh đứt gãy sản xuất...

Một chuyên gia về dịch tễ cho hay với đối tượng được tiêm là người ngoại tỉnh, người lao động tự do, chính quyền, y tế địa phương sẽ có phương án triển khai phù hợp như: lập danh sách người tiêm trên địa bàn, thông qua tổ dân phố, cụm dân cư, các chủ nhà trọ... Đặc biệt, theo chuyên gia, việc tổ chức các điểm tiêm lưu động, các xe tiêm chủng tiếp cận với người dân tại các địa bàn, sẽ thuận lợi cho nhiều người dân. Cùng với việc thông báo hẹn tiêm theo khung giờ, việc tiêm chủng hiệu quả và kiểm soát các yếu tố nguy cơ do tập trung đông người.

Tháng 7 có “hộ chiếu vaccine” với EU

Theo ông Nguyễn Trường Nam, sau khi đăng ký thông tin cá nhân trên Sổ SKĐT, trên hệ thống sẽ cung cấp mã QR code (mã có 2 màu đen, trắng). Khi người đăng ký đã tiêm 1 mũi vaccine, mã này sẽ chuyển sang màu vàng và sẽ chuyển sang màu xanh khi tiêm đủ 2 mũi. Bảng màu của mã QR thể hiện tình trạng tiêm vaccine của cá nhân.

Với những người tiêm vaccine trước thời điểm ngày 10.7, cần tải app Sổ SKĐT và cập nhật thông tin cá nhân. Khi thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin điểm tiêm chủng nhập lên hệ thống, mã QR cũng sẽ thể hiện màu tương tự với tình trạng tiêm chủng của họ. Mã QR sẽ thay thế cho các giấy chứng nhận trước đó, xác định cá nhân đó đã tiêm vaccine COVID-19.

Ông Nam cho biết thêm, dữ liệu tiêm chủng cá nhân được lưu trên hệ thống (số mũi vaccine, chủng loại vaccine). Khi di chuyển trong nước, qua các điểm kiểm dịch có thể quét mã QR để biết được tình trạng tiêm chủng của cá nhân đó.

Khi ra nước ngoài, sẽ cần có thêm chứng nhận đã tiêm vaccine và chứng nhận này phải được chuẩn hóa với dữ liệu của quốc tế. Theo ông Nam, tới đây hệ thống này sẽ liên thông kết quả với dữ liệu đã tiêm trên hệ thống tiêm chủng COVID-19 quốc gia. Cơ quan y tế sẽ xác nhận, kiểm tra tính chính xác của người đã tiêm, sau đó cấp giấy chứng nhận điện tử được ký số bằng chữ ký số quốc gia trên hệ thống. Chữ ký số quốc gia này được liên thông với các nước và các nước công nhận như một “hộ chiếu vaccine”.

“VN đang xây dựng dữ liệu liên thông và dự kiến hệ thống này sẽ chạy thử nghiệm trong tháng 7, trước mắt sẽ liên thông với Liên minh Châu Âu - EU. Về cơ bản, nếu các nước khác cũng liên thông trên hệ thống này, thì cũng sẽ cùng thực hiện “hộ chiếu vaccine”. Hoặc, chúng ta sẽ có thêm các đàm phán, trao đổi để kết nối, liên thông kỹ thuật thực hiện “hộ chiếu vaccine”, ông Nam cho biết.

Huyền Châu

comment Bình luận

largeer