Người dân Mỹ dù đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc Covid-19

Theo thông tin ghi nhận, hiện có ít nhất 4 người dân tại bang Oregon, Mỹ nhiễm Covid-19 dù đã được tiêm mũi thứ hai vắc-xin phòng dịch từ hai tuần trước.
15/02/2021 08:47

Cơ quan y tế bang Oregon, Mỹ cho biết, hai ca nhiễm ‘mang tính đột phá’ được phát hiện tại hạt Yamhill và hai trường hợp khác được ghi nhận ở hạt Lane. Các ca này có triệu chứng nhẹ hoặc không có biểu hiện nhiễm bệnh bên ngoài.

Không loại trừ khả năng còn nhiều trường hợp ‘đột phá’ nữa, nhưng các nhân viên y tế nhận định rằng việc tiêm chủng có thể ngăn ngừa tình hình các ca nhiễm bệnh trở nặng.

 
dan-my-tiem-phong-van-mac-covid-19-chau-au-tang-toc-phe-duyet-vac-xin
Một loại vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: Reuters

Hiện giới chức bang Oregon đã liên hệ với các cơ quan y tế địa phương và liên bang nhằm truy lùng nguồn gốc lây nhiễm các ca bệnh, cũng như tìm hiểu rốt cuộc loại vắc-xin phòng dịch nào, Pfizer/BioNTech hay Moderna, đã được dùng để tiêm cho bốn bệnh nhân trên.

Theo số liệu Worldmeters tính tới sáng 15/2, Mỹ đã ghi nhận hơn 28,2 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó 497.017 người tử vong.

New Zealand phong tỏa thành phố lớn nhất vì dịch

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 14/2 đã phải tuyên bố lệnh phong tỏa kéo dài ba ngày áp đặt lên thành phố lớn nhất nước này là Auckland, khi giới chức y tế phát hiện ba ca nhiễm không rõ nguồn gốc ở nơi đây. Và việc áp lệnh phong tỏa ba ngày sẽ giúp chính phủ có được ‘bức tranh toàn cảnh’ về đợt bùng phát lần này, cũng như xác định xem còn ca lây nhiễm trong cộng đồng dân cư thành phố này hay không.

“Đưa ra quyết định phong tỏa không hề nhẹ nhàng, tôi hoàn toàn hiểu tác động của những biện pháp phòng dịch đối với nền kinh tế. Nhưng chúng tôi cũng nhận thức được cái giá phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều đối với toàn bộ nền kinh tế New Zealand, nếu đưa ra sự lựa chọn sai lầm”, bà Ardern nói với Sputnik.

Theo Worldometers, New Zealand đến nay ghi nhận 2.330 ca nhiễm Covid-19, trong đó 25 người đã tử vong.

Châu Âu tăng tốc phê duyệt vắc-xin phòng dịch

Ủy viên phụ trách y tế Liên minh châu Âu (EU), bà Stella Kyriakides cho biết, tổ chức này sẽ rút ngắn quy trình phê duyệt các loại vắc-xin phòng dịch nhằm đối phó với những biến chủng mới của Covid-19.

“Những loại vắc-xin được nhà sản xuất nâng cấp dựa trên vắc-xin trước đó nhằm chống lại các biến chủng mới, sẽ không còn phải trải qua toàn bộ quá trình cấp phép. Do đó, những loại vắc-xin chuyên dụng sẽ được đưa ra nhanh hơn mà không ảnh hưởng đến tính an toàn”, bà Kyriakides nói với tờ Politico EU.

“Ít nhất 700 triệu liều vắc-xin sẽ được đưa ra tính đến hết tháng 9/2021, và số lượng trên sẽ lớn hơn 70% tổng dân số toàn bộ các quốc gia EU”, bà nói thêm.

Tình hình dịch trên toàn cầu

Dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho gần 109,3 triệu người khắp toàn cầu, trong đó hơn 2,4 triệu người tử vong. Số liệu trên được Worldometers cập nhật lúc 5h sáng nay (15/2). Ngoài ra, số ca hồi phục trên thế giới đạt hơn 81,5 triệu người.

Ấn Độ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới, với tổng số người nhiễm và thiệt mạng kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay là gần 11 triệu và 155.692. Ổ dịch lớn thứ ba thế giới là Brazil với hơn 9,8 triệu người nhiễm và 239.245 ca tử vong. Kế đó là Nga với hơn 4 triệu người bệnh, bao gồm 80.126 người trong đó đã tử vong.

Theo Vietnamnet

comment Bình luận

largeer