Người dân TP.HCM xếp hàng dài để chờ xét nghiệm COVID-19

Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM, hàng loạt địa phương lân cận yêu cầu người từ TP.HCM về phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2. Nhiều người dân đã đổ xô đến bệnh viện xếp hàng chờ đợi làm xét nghiệm.
06/07/2021 20:50
a1

 Người dân xếp hàng dài chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông (Ảnh: H.T)

Ngay từ sáng sớm 6/7, tại các bệnh viện như Quân y 175, Quân dân y miền Đông, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức)…  người dân "rồng rắn" xếp hàng đi làm xét nghiệm COVID-19.

Đa số người dân đi xét nghiệm là các lái xe, người chạy xe ôm, người làm việc tại TP.HCM cần đi qua tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để làm việc, giao hàng… Do số lượng người đi xét nghiệm quá đông nên đã xảy ra tình trạng tụ tập đông người trước cổng bệnh viện và không đảm bảo giãn cách để phòng dịch.

Bác sĩ Trần Thị Hải Yến, Chủ nhiệm Khoa khám bệnh Bệnh viện Quân y 175 cho biết, từ khi triển khai xét nghiệm nhanh, mỗi ngày có từ 1.000 đến 1.500 người đến thực hiện. Hai ngày nay, hơn 3.000 người đã đến bệnh viện test để đáp ứng nhu cầu công việc, đi lại.

Giá một lần test nhanh tại Bệnh viện Quân y 175 khoảng 350.000 đồng, nếu xét nghiệm PCR thì đắt gấp đôi, 734.000 đồng/mẫu.

Chị Lê Thị Hồng, ngụ ở TP.Thủ Đức cho biết, hàng ngày chị phải đi giao hàng ở thành phố Dĩ An, vì vậy chị phải tranh thủ đến Bệnh viện Quân dân y miền Đông để làm xét nghiệm COVID-19 từ 8h sáng nhưng phải tới 9h30 mới được lấy mẫu xét nghiệm do quá đông.

a2

Người dân tranh thủ điền mẫu giấy xét nghiệm ngoài cổng bệnh viện (Ảnh: H.T)

Chị Hồng chia sẻ: "Giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày, trong khi ngày nào tôi cũng phải đi giao hàng. Vậy là cứ cách 3 ngày tôi lại phải mất 280.000 đồng tiền làm xét nghiệm, trong khi lời lãi bán hàng trong dịch này không được là bao".

Hầu hết các bệnh viện đều đã bố trí một khu vực riêng để làm test nhanh, tránh tình trạng tụ tập đông người tại khu xét nghiệm trong các bệnh viện. Khi đến lấy giấy xét nghiệm, các bệnh viện cũng phát phiếu có ghi giờ hẹn để người dân tránh đến cùng giờ, gây mất trật tự trước cổng các bệnh viện trong mùa dịch. Tuy nhiên, do lượng người dân đến quá đông nên có thời gian, bệnh viện phải ngừng phát số để thực hiện giãn cách.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng Khoa Nhiễm, thành viên thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của Bệnh viện Nhi đồng 1, nếu nói xét nghiệm âm tính rồi đi lại đâu đó vài ngày là an toàn cho nơi họ đến là không chính xác.

Về lý thuyết, nếu xét nghiệm đúng âm tính thì chỉ từ khi xét nghiệm trở về trước là không lây, còn ngay sau đó vẫn có thể chuyển sang dương tính bất cứ lúc nào. Để đảm bảo công tác phòng dịch không phải là giấy xét nghiệm âm tính, mà trong suốt quá trình đi lại, giao hàng giữa các tỉnh, thành, người dân cần phải thực hiện nghiêm việc 5K và đặc biệt khi giao hàng cũng phải đảm bảo an toàn khi tiếp xúc.

(Theo Danviet)

comment Bình luận

largeer