Người già nên chú ý phòng bệnh viêm phổi trong thời điểm giao mùa

Người già khi đã mắc bệnh viêm phổi thì thường có những triệu chứng âm thầm, tiến triển nhanh, khó điều trị dứt điểm. Vì thế, vào những ngày thời tiết giao mùa việc phòng bệnh viêm phổi cho người già lại càng phải được chú ý.
29/11/2020 10:17

Ca bệnh điển hình

kham chua benh

Ông Đặng Văn T., 69 tuổi, một cán bộ hưu trí ở Tiền Giang, đến bệnh viện trong tình trạng mệt nhiều kèm ho húng hắng. Sau khi về hưu với thú vui kiểng cảnh, ông cùng với con cháu chăm sóc vườn cảnh của gia đình như là niềm vui không thể thiếu. Ngoài là thú vui, gia đình ông cũng có một khoản thu nhập kha khá ở việc bán cây cảnh ngày Tết. Năm nay thời tiết thay đổi đột ngột, mưa liên tục vào những ngày gần đây nên ông và cả nhà lo lắng, túc trực liên tục ngoài vườn mai. Sau đó, ông mệt cả ngày không ăn uống, ho húng hắng. Ông tự mua thuốc cảm thông thường uống nhưng vẫn thấy mệt nhiều và ho nhiều kèm theo khó thở. Ông cùng con gái út đến bệnh viện khám để được uống thuốc cho khỏe. Đường từ Tiền Giang đến TP Hồ Chí Minh làm ông mệt nhiều, khó thở hơn. Vừa vào cấp cứu để được thở oxy khoảng 2 giờ, ông và gia đình ngạc nhiên khi được bác sĩ thông báo phải nhập viện vì viêm phổi. Ông nghĩ mình chỉ bị cảm nặng do mưa nắng, không nghĩ viêm phổi vì ông không có dấu hiệu sốt.

Các bác sĩ cho biết, đây là tình trạng viêm phổi cộng đồng điển hình (viêm phổi mắc phải ngoài cộng đồng). Ở người lớn tuổi, sức đề kháng giảm, phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng cũng ít rầm rộ, thường không sốt, không ho đờm nhiều, đôi khi chỉ là ho ít và ớn lạnh như một cảm cúm thông thường. Điều này dễ làm người bệnh và thân nhân chủ quan.

Những biện pháp phòng ngừa

Thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hay quá lạnh, hay khi thời tiết chuyển mùa thường có dịch bệnh nhiễm siêu vi cúm và sau đó là viêm phổi, nhất là ở người già hay người có nhiều bệnh, giảm sức đề kháng. Người già khi đã mắc bệnh viêm phổi thường có triệu chứng bệnh âm thầm, phức tạp, nhưng thường diễn tiến nhanh và có nhiều biến chứng nặng, việc điều trị cũng khó khăn và lâu dài vì người già thường có các bệnh mạn tính đi kèm. Do vậy, việc phòng bệnh viêm phổi khi thời tiết thay đổi đột ngột rất quan trọng, nhằm ngăn ngừa tối đa mức tăng nặng của bệnh và biến chứng nguy hiểm gây tử vong.Chính vì vậy người già, người có nhiều bệnh, người suy giảm sức đề kháng, cần lưu ý 8 cách phòng bệnh viêm phổi khi giao mùa. Thứ nhất là rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, xì mũi, hắt hơi, trước khi ăn uống. Thứ hai là sử dụng nguồn nước sạch hàng ngày, luôn bảo đảm một ngày bổ sung đầy đủ từ 1,5 - 2 lít nước. Việc làm này không chỉ giúp thanh lọc cơ thể mà còn giúp đào thải những độc tố gây hại có nguy cơ phát bệnh viêm phổi. Thứ ba, người già nên tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá vì đó là nguyên nhân gây phá hủy phổi, giảm chức năng hô hấp của cơ thể, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm nhiễm khác. Thứ tư nên giữ gìn môi trường xung quanh vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát nhằm khử sạch vi khuẩn, virus là mầm mống gây nên bệnh lý hô hấp nhiễm khuẩn, tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, độc hại. Thứ năm nên giữ gìn cơ thể đủ ấm theo tiêu chí ấm về mùa Đông, thoáng mát về mùa Hè, giữ ấm cổ, ngực, bàn chân, bàn tay. Ngoài ra, chú ý không nên để bếp lò sưởi ấm trong nhà dễ gây viêm phổi. Về mùa Hè, nên để điều hòa ở nhiệt độ thích hợp là 20 - 22oC, không nên để thấp quá gây chênh lệch môi trường bên ngoài dễ dẫn tới viêm họng, viêm phổi và gây đột quỵ cho người già. Thứ sáu là bổ sung dinh dưỡng phù hợp bằng cách sử dụng các loại rau xanh, trái cây tươi đảm bảo đầy đủ vitamin A, C, E, canxi, khoáng chất, chất xơ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Thứ bảy, tiêm phòng vắc-xin cúm hoặc phế cầu trên những người có chỉ định, đặc biệt ở những trường hợp có bệnh phổi mạn, suy tim, cắt lách, tuổi trên 65 nhằm dự phòng bệnh viêm phổi, các chứng viêm nhiễm đường hô hấp ở người già. Thứ tám, cần kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, tiểu đường.

Theo KTĐT

comment Bình luận

largeer