Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam 6/6

Ngày 6 tháng 6 hằng năm được chọn là Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam để ghi nhớ lại những công lao, đóng góp của những người cao tuổi trong thời kỳ kháng chiến. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích mọi người hãy yêu thương, chăm sóc và bảo vệ những người cao tuổi.
06/06/2022 10:58

Nguồn gốc Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước ngày 28/1/1941 để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người đã coi giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Mặt trận Việt Minh). Ngày 6 tháng 6 năm 1941, Người viết bài Kính cáo đồng bào, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam coi “quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”.

Trong bài Kính cáo đồng bào bất hủ đó, Bác Hồ đã đặt người cao tuổi lên vị trí hàng đầu trong các tầng lớp nhân dân: “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các hiền nhân, chí sĩ! Hỡi các bạn sĩ, nông, công, thương, binh!”. Người đã nêu những tấm gương oanh liệt chống thực dân Pháp của các bậc tiền bối như: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến…, nhắc lại các bài học lịch sử và “Mong các ngài noi gương phụ lão đời Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu nước”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đáp lại lời kêu gọi của Bác, hàng chục vạn người cao tuổi đã tham gia Mặt trận Việt Minh xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng, nuôi, giấu, làm giao thông liên lạc cho cán bộ, làm công tác binh vận, tham gia Tổng khởi nghĩa, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng nền độc lập, tự do cho dân tộc

Cách mạng tháng Tám thành công là kỳ tích vĩ đại của dân tộc. Tiếp tục sự nghiệp cách mạng do Bác vạch đường dẫn lối, người cao tuổi Việt Nam lại góp phần xứng đáng vào công cuộc dựng nước và giữ nước trong thời đại Hồ Chí Minh: Giành chiến thắng vang dội trong chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại, giải phóng miền Bắc, mở đầu thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; Thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo, đưa đất nước tiến lên vững chắc và hoà nhập cùng cộng đồng các quốc gia trên toàn thế giới.

Làm theo lời kêu gọi của Bác, đem hết trí tuệ, tài năng và cả xương máu của mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, các thế hệ người cao tuổi Việt Nam xứng đáng với 18 chữ vàng của Ban chấp hành Trung ương Đảng tặng: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Với ý nghĩa to lớn và sâu sắc của ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi người cao tuổi cả nước cùng các tầng lớp nhân dân khác đứng lên cứu nước, để phát huy vai trò và truyền thống của người cao tuổi, động viên người cao tuổi vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 26 tháng 3 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 06 tháng 6 hàng năm là “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam”.

Ý nghĩa Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam

Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam diễn ra với mong muốn nâng cao nhận thức về những vấn đề liên quan ảnh hưởng đến người cao tuổi như việc lạm dụng sức khỏe người cao tuổi. Ngày này cũng nhằm mục đích ghi nhận đóng góp mà người cao tuổi đã giúp cho xã hội phát triển hơn.

Tôn trọng người cao tuổi là thể hiện tục uống nước nhớ nguồn, trọng nhân nghĩa của người Việt Nam. Ý nghĩa này sẽ được giữ gìn và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác, là biểu hiện của đạo hiếu, kính yêu ông bà, cha mẹ trong gia đình và dòng họ. Kính già yêu trẻ là phương châm sống của những người có văn hóa trong xã hội.

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer