Nguyên nhân Indonesia vỡ trận trước biến chủng Delta

Mặc dù đã có những bài học đắt giá từ trước, giới chức trách Indonesia vẫn lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi phải đối mặt với biến chủng mới.
04/07/2021 06:04

Sri Dewi đứng chết lặng trong nghĩa trang cùng gia đình. Anh đang chờ đến lượt tiễn người anh trai xấu số trở về với lòng đất. Anh trai của Sri Dewi cần phải thở oxy nhưng các bệnh viện không thể tiếp nhận do đã quá tải bệnh nhân COVID-19.

“Chúng tôi đưa anh ấy đến bệnh viện nhưng hết chỗ. Bệnh viện hết oxy”, Dewi nói. Gia đình cuối cùng đã mua được một bình oxy và đưa con trai về nhà. Tuy nhiên, cậu đã ra đi vào tối hôm đó.

Trong hai tuần qua, trung bình mỗi ngày Indonesia ghi nhận 20.690 ca nhiễm mới. Gần một nửa xét nghiệm PCR trả về kết quả dương tính. Chính phủ Indonesia đã phải đưa ra những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất sau một thời gian do dự.

b1

Những người đàn ông cầu nguyện cho người thân tử vong do COVID-19. Ảnh: AP.

Triển khai tiêm chủng chậm chạp

Indonesia đang phải chạy đua với virus để triển khai tiêm chủng đến càng nhiều người càng tốt. Nhưng nguồn cung không đủ, địa lý phức tạp của quốc gia quần đảo và sự do dự của một số người Indonesia đã làm thất bại những nỗ lực của chính phủ, theo AP.

Đến ngày 30/6, Indonesia nhận được 118,7 triệu liều vaccine Sinovac và AstraZeneca. Con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với số lượng cần thiết để tiêm cho 181 triệu người, tương đương 70% dân số. Hàng triệu liều bổ sung dự kiến đến trong tháng 7 nhưng vẫn không đủ để đạt được mục tiêu.

Vào ngày 2/7, Mỹ đã tuyên bố sẽ quyên góp 4 triệu liều vaccine Moderna thông qua cơ chế Covax của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đã thảo luận về kế hoạch hỗ trợ các nỗ lực ứng phó với COVID-19 tại Indonesia.

Quốc gia này cũng đang nỗ lực phát triển vaccine của riêng mình. Nhưng nếu vượt qua các thử nghiệm lâm sàng, loại vaccine này cũng chỉ có thể đưa vào sản xuất đại trà vào năm 2022.

b2

Nhân viên y tế dựng các lều tạm nhằm chữa trị khẩn chấp cho bệnh nhân. Ảnh: AP.

Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu tiêm vaccine cho một triệu người mỗi ngày. Sân vận động, trung tâm cộng đồng, đồn cảnh sát và các phòng khám đều được chuyển thành địa điểm tiêm chủng hàng loạt.

Chính phủ Indonesia hy vọng có thể tăng gấp đôi số người được tiêm vaccine hàng ngày kể từ tháng 8. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 5% dân số Indonesia được tiêm phòng.

Siti Nadia Tarmizi, người phát ngôn của chương trình tiêm chủng Indonesia, cho biết các khu vực có nhiều trường hợp COVID-19 sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Địa lý cũng đặt ra nhiều thách thức đối với quốc gia vạn đảo. Giao thông và cơ sở hạ tầng tại nhiều khu vực vẫn còn rất hạn chế. Các quan chức chính phủ cho biết đã chuẩn bị đào tạo nhân viên y tế và đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định để vận chuyển vaccine.

“Quả bom COVID-19 hẹn giờ”

Bất chấp lệnh cấm của chính quyền, vào tháng 5, gần 19 triệu người Indonesia vẫn cố gắng trở về quê nhà để ăn mừng lễ Eid al-Fitr. Vào năm 2020, lễ Eid đã khiến Indonesia phải chứng kiến sự gia tăng gấp đôi số ca bệnh hàng ngày và tỷ lệ tử vong tăng lên hơn 60%.

Trên lý thuyết, công dân Indonesia bị cấm thực hiện chuyến đi liên tỉnh trong 6 ngày trước khi lễ Eid bắt đầu. Tuy nhiên, người dân có thể tự do trở về quê hương bằng cách đi sớm hơn.

Tình trạng càng trở nên trầm trọng khi các điểm du lịch được phép tiếp tục hoạt động.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng nếu không kiểm soát cuộc tụ tập đông người của lễ hội Eid, Indonesia có thể phải hứng chịu một “quả bom COVID-19 hẹn giờ”.

Đến cuối tháng 6, Indonesia đã phải chịu hậu quả khi ghi nhận số lượng ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay. Hệ thống y tế của quốc gia này đang bị đẩy tới mức giới hạn.

Người dân Indonesia xếp hàng đợi tiêm vaccine Sinovac. Ảnh: AP.

b3

Người dân Indonesia xếp hàng đợi tiêm vaccine Sinovac. Ảnh: AP.

Chính quyền Indonesia bất đắc dĩ đã phải đưa ra những hạn chế khẩn cấp có hiệu lực từ ngày 3/7 đến 20/7.

Các chuyên gia chỉ ra rằng các hạn chế khẩn cấp mới chỉ có hiệu lực đối với một số khu vực. Chính phủ vẫn cho phép tất cả nhân viên trong các lĩnh vực quan trọng hoặc có trụ sở tại khu vực ít bị ảnh hưởng được làm việc tại cơ quan.

“Trong trường hợp xấu nhất, nếu không có biện pháp phong tỏa thích hợp, tôi e rằng có tới 500.000 trường hợp nhiễm mới và 2.000 ca tử vong mỗi ngày trong tháng 7 và tháng 8”, Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith ở Australia, nhận định.

Ông cũng dự đoán rằng làn sóng dịch sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng này và giảm dần vào cuối tháng 9.

Thống đốc thành phố Jakarta Anies Baswedan cảnh báo rằng việc thiếu biện pháp kiểm soát có thể khiến số ca nhiễm trong thành phố chạm mốc 100.000 trong khoảng thời gian từ 8/7 đến 13/7.

Do dự và thông tin sai lệch về vaccine

Ngoài ra, sự do dự và thông tin sai lệch đặt ra một thách thức đối với nỗ lực tiêm chủng của quốc gia Đông Nam Á này. Thậm chí, tỷ lệ tiêm vaccine sởi và rubella tại Indonesia còn chưa tới 10%.

“Sự do dự thực sự ảnh hưởng đến các nỗ lực tiêm chủng. Indonesia vẫn chưa có chiến lược truyền thông mạnh mẽ. Một số người vẫn không biết đến sự tồn tại của đại dịch COVID-19”, ông Budiman cho biết.

Các thông điệp chống vaccine ở Indonesia được lan truyền bởi những người có ảnh hưởng, chống chính phủ và chống Trung Quốc.

Báo cáo của viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết số lượng tuyên truyền chống vaccine trên các nền tảng truyền thông xã hội là “đáng lo ngại”. Những cá nhân có ảnh hưởng tôn giáo tại Indonesia “có nền tảng, phạm vi tiếp cận lớn để truyền bá thông điệp đến những tín đồ trung thành”.

b4

Người dân được tiêm vaccine Sinovac tại Depo, Tây Java. Ảnh: AP.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi các hashtag #vaksin và #tolakvaksin, có nghĩa là "vaccine" và "từ chối vaccine" trên nền tảng TikTok Indonesia trong tháng 3 và tháng 4. Một video đoạn clip ghi lại sự phản đối của một nghị sĩ Indonesia đối với sự an toàn của COVID-19 đã thu hút đến 1,6 triệu lượt thích.

Tuyên truyền chống vaccine vẫn gia tăng trên các phương tiện truyền thông xã hội bất chấp sự kiểm duyệt của chính phủ và các nền tảng. Những thuyết âm mưu như “vaccine là công cụ làm suy giảm dân số Hồi giáo” cực kỳ phổ biến.

Một giáo sĩ Hồi giáo còn tuyên bố trong một đoạn clip rằng việc mua vaccine Trung Quốc là một điều đáng xấu hổ đối với Indonesia. Ông cho rằng chính phủ đưa ra chương trình tiêm chủng vì “Indonesia mắc nợ các nước tư bản”.

“Thưa các anh chị em Hồi giáo, chúng ta sẽ đoàn kết. Chúng ta sẽ chiến đấu. Đừng để họ lừa chúng ta”, một bình luận trong clip viết.

Một giáo sĩ khác còn nói rằng bất cứ ai tiêm vaccine “sẽ chết sau hai đến ba năm”, thu hút hơn 8.000 lượt xem trên Instagram.

(Theo Zingnews)

comment Bình luận

largeer