Nguyên nhân viêm mũi dị ứng và cơ chế gây bệnh

Viêm mũi dị ứng là căn bệnh rất phổ biến về mũi. Mặc dù không nguy hại cho tính mạng nhưng lại khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công việc và cuộc sống.
13/02/2023 16:34

Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị viêm, sưng tấy do phản ứng với các tác nhân bên trong và bên ngoài cơ thể. Các vật thể lạ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên.

Viêm mũi dị ứng thường đi kèm với các bệnh như viêm tai giữa, viêm xoang,… Đặc trưng bởi tình trạng hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, ho, cảm giác như khi bị cảm,…

Nguyên nhân viêm mũi dị ứng và cơ chế gây bệnh. Ảnh minh họa

Nguyên nhân viêm mũi dị ứng và cơ chế gây bệnh. Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng?

Bệnh viêm mũi dị ứng được phân làm ba loại chính: Viêm mũi dị ứng theo mùa, viêm mũi dị ứng quanh năm và viêm mũi dị ứng do nghề nghiệp. Viêm mũi dị ứng tuy là căn bệnh không còn xa lạ nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân của nó. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó bao gồm một số nguyên nhân chính sau:

Do thời tiết thay đổi 

Đây là nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng phổ biến nhất. Thời tiết thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng hoặc ngược lại. Hệ miễn dịch của cơ thể chưa thích nghi được với sự thay đổi đột ngột ấy. Mũi là cơ quan đầu tiên tiếp nhận và chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết. Chính vì vậy nên những người bị viêm mũi dị ứng theo mùa thường được ví như ‘’máy dự báo thời tiết’’.

Do yếu tố cơ địa

Một số người có cơ địa dễ dị ứng hơn những người khác. Người bị viêm mũi dị ứng có phản ứng nhạy cảm hơn với những thứ gần như là vô hại với người khác. Hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mẫn khiến lớp niêm mạc mũi bị sưng, viêm.

Do yếu tố di truyền

Viêm mũi dị ứng do gen trội quy định. Chính vì vậy mà gia đình có ông bà cha mẹ mắc viêm mũi dị ứng. Thường di truyền lại cho con cái đời sau. Viêm mũi dị ứng do di truyền thường chữa phức tạp hơn các trường hợp dị ứng khác.

Nước hoa, phấn hoa, lông động vật,…

Một số thành phần trong nước hoa có thể kích thích niêm mạc mũi dị ứng. Khiến bệnh nhân hắt hơi, chảy nước mũi trong và ho. Lông động vật, phấn hoa nhỏ cũng là một trong những dị nguyên dễ gây dị ứng.

Cơ thể rất dễ phản ứng với các dị nguyên này. Điều trị chỉ có tác dụng tạm thời và rất dễ tái phát khi tiếp xúc lại.

Do sử dụng thuốc trong y học

Các loại thuốc được sử dụng trong y học như kháng sinh, thuốc mê, thuốc tê,… Cũng là một trong những tác nhân gây viêm mũi dị ứng. Chính vì vậy nên xem xét kỹ trước khi sử dụng.

Yếu tố môi trường, nghề nghiệp

Môi trường ô nhiễm, người làm việc, tiếp xúc trong môi trường nhiều khói bụi, phấn hoa, bụi gỗ, cao su,… Là những người có tỷ lệ mắc viêm mũi dị ứng cao. Trường hợp này phân vào nhóm viêm mũi dị ứng do nghề nghiệp.

Dị ứng với các loại thực phẩm

Nguyên nhân viêm mũi dị ứng có thể là do một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá, hải sản, hàu,… Các loại thực phẩm này có thể gây dị ứng cho cơ thể trong đó có viêm mũi dị ứng. Cần tránh sử dụng các loại thực phẩm này khi đã xác định được dị nguyên.

Cấu tạo giải phẫu của mũi

Một số người bệnh bẩm sinh có cấu trúc giải phẫu mũi khác với người bình thường như: mũi vẹo, có mào vách ngăn… có nguy cơ bị bệnh viêm mũi dị ứng cao hơn so với người bình thường.

Ai có nguy cơ cao mắc viêm mũi dị ứng

Mặc dù viêm mũi có thể xảy ra ở bất kì đối tượng nào, tuy nhiên vẫn có một số đối tượng tỷ lệ mắc bệnh cao hơn hẳn.

Trẻ em

Trong đó trẻ em là nhóm có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Do hệ thống miễn dịch còn kém, việc chống lại các yếu tố dị nguyên gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cấu tạo mũi ở trẻ chưa hoàn thiện, rất dễ phản ứng với các tác nhân như bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, lông động vật,…

Người ốm, phụ nữ có thai và cho con bú 

Nhóm người này có hệ miễn dịch yếu hơn người bình thường. Cơ thể không đủ sức đề kháng để chống lại các dị nguyên. Là nhóm đối tượng dễ có nguy cơ cao mắc viêm mũi dị ứng.

Ngoài ra một số người có dị tật mũi bẩm sinh, mắc các bệnh liên quan đến chuyển hóa cũng được xếp vào nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi dị ứng nên được chữa trị kịp thời ngay khi có những triệu chứng ban đầu. Nếu để lâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần của người bệnh.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm mũi dị ứng

Với những người bị viêm mũi dị ứng, thực phẩm có thể là nguyên nhân gây bệnh, yếu tố làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh. Nhưng thực phẩm cũng có thể là giải pháp giúp hạn chế tái phát bệnh. Do đó, nếu biết kết hợp một cách hợp lý giữa điều trị bằng thuốc (Đông y, Tây y) và chế độ dinh dưỡng thì bệnh nhân có thể đẩy lùi được căn bệnh này. Một số loại thực phẩm còn có công dụng phòng ngừa viêm mũi dị ứng tái phát rất hiệu quả.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm mũi dị ứng. Ảnh minh họa

Chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm mũi dị ứng. Ảnh minh họa

Người bị viêm mũi dị ứng nên ăn:

Rau củ quả giàu vitamin C

Vitamin C là thành phần quan trọng giúp tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách hỗ trợ chức năng các tế bào khác nhau trong cả hệ thống miễn dịch. Các loại trái cây chứa vitamin C bao gồm: Ớt chuông, cherry, bưởi…. rất tốt cho người bệnh viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, các loại quả khác như cam, táo, cà chua… cũng có hàm lượng chống oxy hóa cao, giúp chống viêm mũi dị ứng và hen suyễn hiệu quả.

Các loại cá giàu omega-3

Điển hình trong nhóm này bao gồm: Cá hồi, cá mòi… rất giàu omega3, giúp ngăn ngừa phản ứng sưng tấy trên đường hô hấp

Dùng nhiều các gia vị tính ấm

Hành, tỏi, gừng... là các nguyên liệu thường thấy trong các gian bếp, chúng có chứa nhiều chất kháng sinh giúp phòng viêm mũi dị ứng và viêm xoang vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, bệnh nhân viêm mũi dị ứng cũng cần thường xuyên sử dụng một số món ăn giúp bổ phế âm như củ từ, gạo nếp, táo tàu... để ngăn ngừa viêm mũi dị ứng.

Người bị viêm mũi dị ứng nên kiêng ăn:

Thực phẩm có tính lạnh, béo, tanh

Các loại hải sản tính hàn, dễ gây dị ứng như: tôm, cua, ốc, mực… nên kiêng ăn bởi chúng có thể làm nặng hơn các triệu chứng dị ứng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng không nên uống nước đá, kem... vì chúng sẽ kích thích phản xạ như hắt hơi liên tục, co thắt phế quản, gây tình trạng ho hen, tăng tiết nhầy..

Thức ăn cay nóng

Ngoài việc khiến cho tình trạng viêm mũi dị ứng ngày càng trầm trọng, thì các gia vị như ớt, tiêu..cũng làm nặng hơn các bệnh lý tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản… Ngoài ra, dùng các đồ uống có cồn cũng có thể làm mất nước trong cơ thể, đặc chất nhầy trong mũi, sưng màng mũi xoang, làm bệnh viêm mũi dị ứng nặng hơn. Do đó người bệnh nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ các loại thực phẩm này.

Theo Thầy thuốc Việt Nam

comment Bình luận

largeer