Nhiều hồ chứa tại Thanh Hóa không đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ

Thanh Hóa hiện có 610 hồ chứa nước và 1.023 đập dâng. Trong đó, hàng chục hồ chứa xây dựng lâu năm đã xuống cấp, hư hỏng nặng, cần được nâng cấp sửa chữa trước mùa mưa bão đang đến gần.
04/07/2024 11:47
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 610 hồ chứa. Trong đó, có 86 hồ chứa đã xuống cấp, hư hỏng

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 610 hồ chứa. Trong đó, có 86 hồ chứa đã xuống cấp, hư hỏng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này đang có 610 hồ chứa, 1.023 đâp dâng, trong đó có 86 hồ chứa đã xuống cấp, hư hỏng, gây mất an toàn. Hiện mùa mưa bão đang đến gần, những công trình hồ, đập bị xuống cấp, hư hỏng nặng vẫn chưa được tu sửa do các địa phương, đơn vị quản lý hồ, đập đang thiếu nguồn vốn đầu tư, sửa chữa.

Đơn cử, hồ chứa nước Đầm Thi tại thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc được xây dựng năm 1967 để cung cấp nước tưới cho bà con. Sau nhiều năm sử dụng, hồ chứa này đã xuống cấp, mái thượng lưu và mái hạ lưu đập bị sạt lở. Lòng hồ bị bồi lắng, dung tích chứa của hồ không còn nhiều.

Khi mưa bão, lượng nước chảy tràn vào khu dân cư gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Điều này đã làm nhiều người dân quanh khu vực thiếu nước tưới tiêu khi mùa nắng nóng, còn mùa mưa thì có nguy cơ mất an toàn khi nước trong hồ dâng cao.

Ông Phạm Văn Tảo ở thị trấn Ngọc Lặc, cho biết: “Khu phố chúng tôi có cái hồ này để giữ nước cho bà con tưới tiêu, nhưng mà đập tràn xả lũ chưa có, lũ về tràn vào nhà dân. Yêu cầu nhà nước đầu tư, tôn tạo cái hồ này để hồ giữ nước tưới tiêu cho bà con”.

Địa bàn huyện Ngọc Lặc hiện có 155 hồ đập, trong đó có 12 hồ chứa nước xuống cấp. Để đảm bảo an toàn vận hành các hồ chứa mùa mưa bão, UBND huyện này đã tập trung trang thiết bi, vật tư phòng chống thiên tai, để khi xảy ra mưa bão kịp thời ứng phó.

Về việc này, bà Phan Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ngọc Lặc, cho biết: “Đối với các công trình chưa được gia cố, huyện đã tập trung duy trì vật tư, để khi xảy ra thiên tai kịp thời ứng phó, đối công trình đang xây dựng huyện đã tuyên truyền chủ đầu tư gia cố để giảm thiểu thiệt hại gây ra”.

Hồ chứa xuống cấp gây ảnh hưởng đến việc cấp nước, cũng như mất an toàn vùng hạ du

Hồ chứa xuống cấp gây ảnh hưởng đến việc cấp nước, cũng như mất an toàn vùng hạ du

Tại huyện Cẩm Thủy, hiện nay có hồ xã Cẩm Phú và hồ Làng Ngọc, xã Cẩm Lương được xây dựng từ lâu, thân đập bị xói mòn, cống tràn đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc cấp nước, cũng như mất an toàn vùng hạ du.

Ông Hoàng Nam Dinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Thủy, cho biết: “Qua tổng hợp huyện có 2 hồ xuống cấp đang đưa vào chương trình nâng cấp, trong đó có Hồ Làng Ngọc, xã Cẩm Lương và hồ xã Cẩm Phú. UBND huyện đã chỉ đạo chủ hồ chứa nước bình thường để đảm bảo an toàn hồ đập”.

Ngoài ra, tại các huyện Thường Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Như Xuân… cũng đang có nhiều hồ, đập xuống cấp.

Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó chi Cục trưởng - Chi cục thủy lợi tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Chúng tôi tham mưu, chỉ đạo UBND các huyện, các công ty khai thác công trình thủy lợi kiểm tra hiện trạng công trình trước và sau lũ để kịp thời tham mưu bố trí kinh phí sửa chữa, đảm bảo an toàn công trình. Đồng thời, hướng dẫn UBND các huyện xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp các công trình hồ chứa, thẩm định theo phê duyệt, có kinh phí bảo dưỡng các hồ đập nhỏ do các tổ chức nhỏ quản lý, tránh xuống cấp công trình”.

“Thời gian tới, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa sẽ tham mưu cấp trên có chính sách hỗ trợ các đơn vị khai thác công trình thủy lợi để thực hiện sửa chữa, chống xuống cấp các công trình. Đối với 86 hồ chứa nước không đảm bảo an toàn, Sở sẽ hướng dẫn UBND các huyện xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp, hồ chứa nào không đảm bảo an toàn sẽ không được tích nước, nhằm đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ 2024”, bà Nga cho biết thêm.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer