Nhiều quốc gia tại Châu Âu đang tìm cách đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19

Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắcxin phòng ngừa COVID-19, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là đối phó với biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Anh.
12/01/2021 10:08

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, mức độ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không hề giảm tại châu Âu.

Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắcxin phòng ngừa COVID-19, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là đối phó với biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Anh.

ttxvn_covid_19

Để đối phó với làn sóng lây nhiễm lần thứ 2, ngày 30/10/2020, Chính phủ Bỉ đã quyết định tái phong tỏa toàn quốc.

Giới chức Bỉ cũng duy trì lệnh giới nghiêm từ 22 giờ tới 6 giờ.

Kể từ ngày 28/12/2020, Bỉ đã triển khai tiêm những liều vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên tại 3 trại dưỡng lão.

Tới nay, tuy các chỉ số về số người phải nhập viện và tử vong đều giảm, nhưng số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đang có xu hướng tăng nhẹ trở lại (1.816 ca nhiễm mới mỗi ngày trong 7 ngày qua), vì vậy Chính phủ Bỉ vẫn cẩn trọng duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như đóng cửa toàn bộ các cửa hàng ăn, quán cà phê, quán bar; duy trì lệnh giới nghiêm từ 22 giờ tới 6 giờ…

Với dân số chỉ 11,5 triêu người, tới ngày 11/1, tại Bỉ đã tới 664.263 ca mắc COVID-19 kể từ đầu đại dịch tới nay và 20.078 ca trong số này đã tử vong.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Prague dẫn thông báo của Ủy ban châu Âu (ec.europa.eu), kể từ ngày 11/1, Bỉ, Hà Lan và Slovenia sẽ trở thành những quốc gia mới cung cấp vật tư y tế theo Cơ chế bảo vệ dân sự EU (rescEU). Ngoài ra, một trung tâm dự trữ y tế thứ hai sẽ được triển khai tại Đức.

Phát biểu về việc mở rộng các kho dự trữ trên, Ủy viên Quản lý Khủng hoảng châu Âu Janez Lenarčič cho biết: “COVID-19 vẫn là một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe vào năm 2021 và kể từ năm ngoái, chúng ta đã biết rằng EU không bao giờ để mất cảnh giác. Với 4 kho dự trữ y tế bổ sung của (rescEU) ở Bỉ, Đức, Hà Lan và Slovenia, EU đảm bảo rằng các nhóm dễ bị tổn thương và nhân viên y tế sẽ nhận được thiết bị cần thiết để bảo vệ và duy trì hệ thống y tế hoạt động tốt trên khắp lục địa.”

Tổng cộng, hiện có 9 quốc gia thành viên lưu trữ kho thiết bị y tế chung của châu Âu. Nguồn cung cấp hiện có hơn 65 triệu khẩu trang y tế và 15 triệu khẩu trang FFP2, FFP3; hơn 280 triệu đôi găng tay y tế; gần 20 triệu áo bảo hộ y tế cùng hàng nghìn máy thở.

Dự trữ y tế (rescEU) bao gồm các loại thiết bị y tế khác nhau, chẳng hạn như khẩu trang hoặc máy thở y tế được sử dụng trong chăm sóc đặc biệt.

Nguồn dự trữ do Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Slovenia, Thụy Điển và Hà Lan chịu trách nhiệm mua sắm. Ủy ban Châu Âu tài trợ liên quan đến lưu trữ và vận chuyển.

Trung tâm Điều phối ứng phó khẩn cấp EU điều hành việc phân phối nguồn cung cấp, đảm bảo đến nơi cần thiết nhất, dựa trên nhu cầu của các quốc gia yêu cầu EU hỗ trợ theo Cơ chế Bảo vệ Dân sự của EU./.

Theo Vietnamplus

comment Bình luận

largeer