Những góc học trực tuyến "bất đắc dĩ" của học sinh

Năm học 2021 - 2022, do không thể đến trường học trực tiếp, học sinh các tỉnh thành phải học trực tuyến trong thời gian kéo dài. Tuy nhiên, việc học trực tuyến lại gây rất nhiều khó khăn cho học sinh tại vùng cao khi không bắt được mạng để học mà bất đắc dĩ phải dựng lều, dựng chòi trên núi, những nơi bắt được sóng tốt nhất.
23/09/2021 12:13

Không có sóng điện thoại, nhưng không muốn bỏ lỡ bất kỳ buổi học nào, Vừ Y Hoa (học sinh lớp 10, Trường THPT Quế Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An) hằng ngày phải di chuyển đến ngọn núi cách nhà hơn 1 tiếng đi bộ để chuẩn bị cho buổi học online. 8h mới bắt đầu vào học, nhưng nữ sinh này phải đi từ lúc 6h để kịp đến góc học tập của mình, kết nối 3G ổn định từ trước để không bị chậm trễ.

Hoa là học sinh duy nhất của bản đậu vào lớp 10 Trường THPT Quế Phong trong năm học này. Nhà Hoa ở xã biên giới Tri Lễ (huyện Quế Phong), đường xa xôi hiểm trở, không có sóng điện thoại. Bởi thế, phải mất vài ngày sau khai giảng năm học mới, nữ sinh này mới có thể liên lạc được với thầy cô và bước vào buổi học online đầu tiên.

Góc học tập của Vừ Y Hoa (học sinh lớp 10, Trường THPT Quế Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An)

Góc học tập của Vừ Y Hoa (học sinh lớp 10, Trường THPT Quế Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An)

Góc học tập của Hoa gần 2 tuần nay là một ngọn đồi nhỏ, bàn học được chế sơ sài từ mấy cành cây chỉ đủ để chiếc điện thoại di động. Nếu thời tiết thuận lợi, sóng ổn định mỗi buổi học Hoa sẽ chỉ rớt mạng hai đến ba lần. Nhưng đợt này, Quế Phong bắt đầu vào mùa mưa, thời tiết thất thường, nhiều hôm Hoa đi bộ từ nhà đến nơi có sóng thì trời âm u, mưa bất chợt đổ xuống và tìm mỏi mắt cũng không nơi nào có tín hiệu.

Cũng như Hoa, Và Bá Lỳ (học sinh lớp 11A12, Trường THPT Quế Phong) phải dậy sớm chuẩn bị cơm trưa và tối cho bản thân rồi mang theo đến địa điểm học online của mình. Địa điểm học của Lỳ cách nhà hơn 10km, nữ sinh này thường phải đi học từ lúc 10h, đến tận khuya mới về nhà.

Góc học online của Dần và Thành

Góc học online của Dần và Thành

Những ngày qua, Xồng A Thành và Xồng Bá Dần (học sinh lớp 6A1 Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong) vẫn đều đặn được anh Xồng Bá Tủa (bố Dần) chở lên một ngọn núi cách nhà 30 phút chạy xe máy “hứng sóng” học online. Để có góc học tập này, ông bố người Mông đã phải lặn lội đi tìm suốt 1 ngày trời. Bởi ở bản Mường Lống (xã Tri Lễ) phải lên tận núi cao mới có sóng điện thoại, nhưng cũng chập chờn.

Hai em

Hai em "hứng sóng" để học trực tuyến và chăm chỉ lắng nghe các bài giảng của thầy cô

Tại bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), hai nữ sinh người dân tộc là Hồ Thị Son (SN 2004) và Hồ Thị Thanh Huyền (SN 2005) - học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Bình dù có thiết bị học tập nhưng ở nơi bản làng không có sóng điện thoại, cứ mỗi sáng, 2 chị em dậy từ rất sớm, chuẩn bị đồ ăn, rồi đi bộ khoảng 20 phút, men dọc theo con đường lởm chởm đất đá, đến lều tạm để học tập. Căn lều nhỏ do bố mẹ của 2 em dựng lên giúp che mưa, che nắng cho các em và kê những thanh gỗ làm bàn, ghế cho 2 em học bài. Sau nhiều ngày mò mẫm, 2 em cũng bắt được sóng 3G để vào phần mềm học online, các em vừa học, vừa trao đổi, nhận các tài liệu, đề bài tập của thầy cô gửi qua zalo, Facebook.

Tại Đắk Nông, đối với con em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì việc học online là điều hết sức thử thách, thậm chí không trở thành hiện thực. Gia đình em Triệu Văn Tài, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, nằm ở dưới hẻm núi, thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa của xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Lo lắng cho việc học của con, ông Triệu Tiến Lâm (bố của em Tài) đã sử dụng chiếc điện thoại thông minh, lội hết quả đồi này sang quả đồi khác để dò tìm sóng 4G.  Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, ông Lâm đã dò tìm được một vị trí có sóng 4G nằm cách xa nhà ở của gia đình cả cây số. Ngay sau khi việc dò tìm kiếm có kết quả, ông Lâm mừng rỡ dựng một cái chòi tạm trên núi cho đứa con "luyện chữ".

Không có điều kiện như gia đình ông Lâm, gia đình Nhà ông Y Wi, ở xã Đắk Búk So chỉ có 1 chiếc điện thoại “cục gạnh”  đang sử dụng và 1 chiếc ti vi đã hỏng. Do đó, gia đình chưa có cách nào kết nối với chương trình học online ngành giáo dục đang tổ chức thực hiện.

Em Nguyễn Đức Chiến (học sinh trường THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh) học online trên biển

Em Nguyễn Đức Chiến (học sinh trường THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh) học online trên biển

Một trường hợp đặc biệt khác tại tỉnh Hà Tĩnh, vì hoàn cảnh dịch bệnh nên hiện tại em Nguyễn Đức Chiến, học sinh lớp 12A8 trường THPT Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn đang mắc kẹt lại ở trên tàu cá đánh thuộc vùng biển Bạch Long Vĩ - Hải Phòng. Ra khơi từ tháng 7 đến nay em vẫn chưa thể về nhà để bắt đầu năm học mới.

Thông thường thì tàu cá nơi em làm việc nửa tháng sẽ cập bờ một lần để xuống hàng và tiếp nhiên liệu, thực phẩm nhưng không có xe từ Hải Phòng về Hà Tĩnh, em đành tiếp tục ra khơi. Lênh đênh trên biển dài ngày, mạng di động không ổn định, lúc có lúc không nên giờ học của em bị gián đoạn nhiều lần. Chỉ khi nào tàu vào gần đảo Bạch Long Vĩ, mạng ổn định hơn em mới có thể học bài. Cũng có những lúc giờ học bắt đầu đúng lúc em vào ca làm việc nên chủ yếu nghe thầy cô giảng là chính, không thể ghi chép bài.

Năm học mới đã bắt đầu được gần 2 tuần, theo chỉ thị mới các em học sinh ở Hà Tĩnh đã quay lại trường học tập trực tiếp. Riêng Chiến, phải hơn 1 tuần nữa em mới có thể vào bờ, xin đi nhờ xe để về tiếp tục công việc học tập. COVID-19 đã làm chậm nhiều thứ, làm chậm cả bước chân em tới trường.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer