Những loại vắc xin quan trọng nhất trong lịch sử ngành y tế hiện đại

Bất kỳ sự ra đời của một loại vắc xin nào cũng được xem là một thành tựu quan trọng, thậm chí một vài loại trong số đó có ý nghĩa sống còn với nhân loại.
04/12/2020 10:01

Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc), cộng đồng khoa học thế giới cấp bách bước vào cuộc đua gay cấn bậc nhất trong lịch sử ngành y tế hiện đại - cuộc đua phát triển vắc xin phòng Covid-19.

Theo trang tin Insider, dưới đây là 5 loại vắc xin quan trọng nhất từng được phát triển trong lịch sử nhân loại.

Vắc xin ngừa bệnh đậu mùa

Vắc xin ngừa bệnh đậu mùa được phát triển từ năm 1796 bởi bác sĩ người Anh Edward Jenner. Đây cũng là vắc xin đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Sau đó, nhờ vào công tác tiêm chủng đồng bộ trên nhiều quốc gia, đến năm 1979, bệnh đậu mùa hầu như đã được xóa sổ trên toàn cầu.

Vắc xin ngừa bại liệt

vacxin_wrlq

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bại liệt là chứng bệnh nguy hiểm ở trẻ em, có khả năng lây lan cao thông qua thức ăn và nguồn nước bị ô nhiễm. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị tê liệt tạm thời, thậm chí vĩnh viễn.

Vắc xin tiêm ngừa bại liệt lần đầu tiên được phát triển bởi nhà nghiên cứu người Mỹ Jonas Salk và được giới thiệu với toàn thế giới vào năm 1955. Tiếp sau đó, Albert Sabin - một khoa học gia người Mỹ - đã phát triển loại vắc xin thứ hai theo dạng thuốc uống và được cấp phép vào năm 1962.

Hai loại vắc xin trên đã góp phần loại bỏ bệnh bại liệt ở hầu hết các nước trên thế giới. Năm 2018, thế giới chỉ còn ghi nhận 33 trường hợp mắc bệnh.

Vắc xin ngừa MMR

Vắc xin MMR giúp phòng 3 loại bệnh là sởi, quai bị và rubella. Đây là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt với trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai, bởi đây là loại vi rút hô hấp rất dễ lây lan.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nhóm vi rút này dễ lây lan đến mức một người mắc bệnh này có thể lây cho 90% người xung quanh, nếu họ không có biện pháp bảo vệ. Hậu quả của bệnh sởi cũng rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến viêm phổi, viêm não (sưng não), thậm chí tử vong.

Vắc xin sởi có từ năm 1963, cải tiến năm 1968. Vắc xin quai bị và rubella ra đời lần lượt vào năm 1967 và 1969. Sau đó đến năm 1971, dạng kết hợp của 3 loại này được cấp phép và chính thức thành vắc xin MMR như hiện nay.

Vắc xin ngừa DPT

Đây là loại vắc xin chống lại 3 bệnh uốn ván, bạch hầu và ho gà. Cả ba bệnh này đều do vi khuẩn gây ra và có khả năng gây tử vong cao ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Trong thai kỳ, phụ nữ sẽ được tiêm ngừa DPT để bảo vệ thai nhi. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo bất kỳ ai thường xuyên tiếp xúc với mẹ và bé như gia đình, các nhân viên y tế... cũng nên tiêm phòng loại vắc xin này để giữ an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Năm 1932, bác sĩ nhi khoa Leila Denmark bắt đầu nghiên cứu về bệnh ho gà. Sáu năm sau, vắc xin ho gà đầu tiên đã được phát triển thành công. Năm 1942, các nhà khoa học Mỹ là Grace Eldering, Loney Gordon và Pearl Kendrick đã kết hợp vắc xin ho gà với bệnh bạch hầu và uốn ván để tạo ra vắc xin kết hợp DTaP (một loại của vắc xin DPT dành cho trẻ dưới 7 tuổi). Năm 1981, nhà khoa học Nhật Bản Yuji Sato hoàn thiện loại vắc xin này thông qua việc giảm thiểu các tác dụng phụ thường gặp do thành phần của vắc xin ho gà gây ra.

Bên cạnh DTaP, vắc xin DPT ngày nay còn một loại khác là Tdap. Đây là loại vắc xin có chức năng tương tự DTaP, nhưng được giảm liều bạch hầu và ho gà, giúp tăng cường miễn dịch và giữ sự bảo vệ liên tục cho những người từ 11 tuổi trở lên.

Vắc xin ngừa HPV

Vắc xin ngừa HPV, hay còn gọi là vắc xin phòng ung thư cổ tử cung, được ra mắt năm 2006. Đây là vắc xin chống lại sự viêm nhiễm của vi rút papilloma ở người (human papilloma virus), là tác nhân gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm đạo... và có thể là một số bệnh ung thư miệng.

WHO khuyến cáo HPV nên được các quốc gia đưa vào danh sách tiêm chủng định kỳ, nhất là cho trẻ em gái, trước độ tuổi quan hệ tình dục nhằm phát huy hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

Theo Thanh Niên

comment Bình luận

largeer