Những lời khuyên về sức khỏe tâm thần và thể chất dành cho giáo viên

Khi các trường học mở cửa trở lại, giáo viên cần phải ưu tiên và chú trọng chăm sóc sức khỏe tâm thần và thể chất của bản thân. Điều này sẽ giúp mang lại năng lượng tích cực cho chính giáo viên, cho học sinh cũng như gia đình các em. Dưới đây là 10 lời khuyên của UNICEF Việt Nam về sức khỏe tâm thần và thể chất dành cho giáo viên.
21/09/2021 16:11

Dành thời gian để thư giãn

Hãy nghĩ về điều giúp bạn cải thiện tâm trạng và vượt qua căng thẳng như chơi với con, đi dạo, nói chuyện với bạn bè, chăm sóc cây cối, đọc sách hay thử một công thức nấu ăn mới. Tạo không gian để nghỉ ngơi. Thời gian bạn dành cho những hoạt động này cũng quan trọng như thời gian bạn dành cho công việc. Tất cả nhằm giúp bản thân cảm thấy tràn đầy năng lượng.

Lên kế hoạch cho tương lai

Khi các trường mở cửa trở lại, trong đầu bạn sẽ xuất hiện hàng triệu câu hỏi làm thế nào để tương tác với học sinh và giúp các em bắt nhịp trở lại với trường lớp. Lên danh sách tất cả các công việc và hoạt động trong ngày hoặc trong tuần từ sớm. Sử dụng sổ kế hoạch hàng ngày hoặc sổ ghi chép để lập kế hoạch cho tuần mới. Đặt ra những mục tiêu nhỏ và có những khoảng thời gian nghỉ ngơi thích hợp. Việc này sẽ giúp bạn quản lý thời gian tốt hơn và giảm bớt căng thẳng khi có quá nhiều việc ngoài kế hoạch phải làm.

Đặt ranh giới

Đại dịch COVID-19 đang làm gia tăng mức độ căng thẳng trong cuộc sống của nhiều giáo viên với phương pháp giảng dạy mới, các vấn đề về sức khỏe của cá nhân và gia đình. Dù bạn dạy học trực tuyến hay dạy tại lớp, bạn vẫn liên tục phải quan tâm đến nhu cầu của học sinh trong suốt cả ngày. Đảm bảo đặt ra ranh giới để có thời gian dành riêng cho bản thân, ở bên gia đình hoặc tận hưởng những việc bạn thích làm. Một cách đơn giản để đặt ra ranh giới là chú ý đến cảm giác của bạn trong các hoạt động hàng ngày và lắng nghe những tín hiệu báo cho bạn biết rằng có điều gì đó đang không phù hợp với bạn. Dành thời gian để chuẩn bị cho việc giảng dạy và những khoảng thời gian khác. Có thể cân nhắc sắp xếp để có một khoảng thời gian dành riêng cho việc giúp đỡ, hỗ trợ học sinh ngoài giờ học trên lớp.

Empty

Đảm bảo học sinh và phụ huynh hay người chăm sóc biết thời điểm nào là tốt nhất để liên lạc với bạn. Thiết lập (và tuân theo) quy định "không sử dụng các thiết bị công nghệ" trong khoảng thời gian trước khi đi ngủ - đảm bảo không kiểm tra email và tin nhắn. Có thể cân nhắc việc đặt lời nhắc để ghi nhớ những ranh giới mà mình đã đặt ra. Nếu bạn cảm thấy người khác không tôn trọng những ranh giới này, hãy nghĩ ra những cách để có thể trò chuyện với họ một cách nhẹ nhàng và tôn trọng, chia sẻ những gì bạn biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe tâm thần và cách ranh giới giúp bạn thực hiện được điều đó.

Tiêm vaccine

Tiêm vaccine khi đến lượt. Vaccine sẽ bảo vệ bạn khỏi lây nhiễm COVID-19 nặng đến mức phải nhập viện và nguy cơ tử vong. Nó cũng có thể giảm bớt những lo lắng về an toàn khi trở lại trường học. Việc tiêm vắc-xin cũng giúp bảo vệ gia đình bạn, học sinh của bạn và gia đình các em. Bạn sẽ được yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau khi tiêm, nhưng cảm giác an toàn hơn chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Điều chỉnh kỳ vọng của bạn

Đây là giai đoạn để tất cả mọi người cùng điều chỉnh và hiểu đúng tầm quan trọng thật sự của vấn đề. Bạn chỉ có thể kiểm soát những điều và hoàn cảnh nhất định trong giai đoạn giúp học sinh bắt nhịp lại với lớp học. Đừng tự tạo áp lực cho bản thân phải cố gắng tạo ra trải nghiệm học tập giống như trước khi giãn cách. Bạn là người duy nhất có khả năng và đang cố gắng hết sức để thích ứng với thay đổi đó. Khi chúng ta bước tiếp, tất cả mọi người sẽ học theo và thích nghi theo.

Tiếp thu những kỹ năng mới và đánh giá cao những kỹ năng bạn có

Các giáo viên trên thế giới phần lớn không được chuẩn bị để có thể hỗ trợ việc học tập liên tục, phần nhiều do những hạn chế về kỹ năng kỹ thuật số. Tiếp thu và thành thạo các kỹ năng mới sẽ giúp bạn trở nên chuyên nghiệp, đồng thời mang lại sự tự tin và thoải mái hơn trong công việc. Bạn có thể đăng ký các khóa học, hội thảo trực tuyến hoặc xem video để nâng cao kỹ năng kỹ thuật số của bản thân và thích nghi với các phương pháp giảng dạy thay thế. Hãy nhớ đánh giá cao các kỹ năng mà bạn đã có. Chúng có thể giúp bạn học hỏi thêm nhiều điều hơn nữa!

Tử tế với chính mình

Nếu bạn đang cảm thấy quá tải, hãy chia sẻ cảm xúc với giáo viên khác, bạn bè hoặc thành viên trong gia đình. Trò chuyện với người giám sát hoặc lãnh đạo ở trường sẽ giúp họ hiểu và hỗ trợ bạn. Hãy nhớ rằng, một mối quan hệ lành mạnh sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đến những đứa trẻ mà bạn đang dạy.

Giữ kết nối xã hội

Chúng ta có thể giữ khoảng cách về vật lý để hạn chế sự lây lan của vi-rút, nhưng cần phải giữ kết nối về mặt tình cảm và xã hội với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của mình. Kỷ niệm những dịp vui vẻ qua các cuộc gọi thoại video, tham gia vào các nhóm làm việc trực tuyến hoặc các câu lạc bộ sách trực tuyến. Khi gặp người khác, ưu tiên các hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang theo yêu cầu của cơ quan y tế địa phương.

Vận động cơ thể

Hoạt động thể chất được chứng minh là một chiến binh mạnh mẽ giúp giải tỏa căng thẳng và lo lắng. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn suốt cả ngày, ngủ ngon hơn vào ban đêm, có trí nhớ sắc bén hơn và bản thân cảm thấy thoải mái và tích cực hơn. Thậm chí chỉ cần đi bộ nhanh 10 phút cũng giúp bạn cải thiện tâm trạng và nhận thức rõ về sức khỏe tâm thần lẫn thể chất. Nếu không thể đến phòng tập mỗi ngày, hãy chơi với con cái hoặc tổ chức một bữa tiệc khiêu vũ khi đã hoàn thành công việc trong ngày.

Tìm kiếm hỗ trợ sức khỏe tâm thần nếu cần

Chăm sóc sức khỏe tâm thần và thể chất và tìm kiếm hỗ trợ sức khỏe tâm thần nếu bạn có dấu hiệu trầm cảm, lo lắng và kiệt sức. Cảm giác mệt mỏi và không vui không giống với trầm cảm. Các dấu hiệu chính của trầm cảm, lo lắng, kiệt sức và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác cần đến những hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên biệt có thể kể đến mệt mỏi và các vấn đề về giấc ngủ, nhịp tim và nhịp thở nhanh, cảm giác nguy hiểm, mất cảm giác thèm ăn và sụt cân, tuyệt vọng, đau đầu dai dẳng và các cơn đau khác, và các vấn đề về tiêu hóa không thuyên giảm. Nếu không được điều trị, những triệu chứng này có thể khiến cuộc sống của bạn không còn vui vẻ và năng động. Nhận biết những dấu hiệu này và tìm kiếm hỗ trợ y tế hoặc tâm lý là bước đầu tiên giúp bạn cảm thấy tốt hơn và thậm chí ngăn ngừa các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khác.

UNICEF Việt Nam

comment Bình luận

largeer