Những phát hiện mới có lợi cho bệnh nhân thoái hóa thần kinh

Phát hiện của các nhà khoa học Mỹ từ những nghiên cứu mới nhất hứa hẹn sẽ sớm mang đến phương pháp điều trị và tầm soát hiệu quả những bệnh lý thoái hóa thần kinh - điển hình là hội chứng liệt rung (Parkinson) và chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (Alzheimer).
24/03/2023 15:50

Trong nghiên cứu tại Đại học Rutgers, nhóm chuyên gia do Tiến sĩ chuyên khoa thần kinh M Maral Mouradian dẫn đầu phát hiện ra rằng việc kết hợp caffeine và EHT - 2 hợp chất trong cà phê có thể điều trị hai bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ thể DLB ở chuột. Được biết, Parkinson là một rối loạn thoái hóa của hệ thần kinh với các triệu chứng gồm run và co cứng tay chân, khó đi lại hoặc giữ thăng bằng và phối hợp vận động tay chân, còn sa sút trí tuệ thể DLB có chung triệu chứng với cả Parkinson và Alzheimer, xảy ra khi prôtêin alpha-synuclein xuất hiện trong các tế bào thần kinh.

Các phương pháp chữa bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ thể DLB hiện nay tập trung vào việc giảm biểu hiện gien và ngăn chặn sự tích tụ của alpha-synuclein tại não. Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia đã quan sát tác động của tiêu thụ caffeine và EHT trên những con chuột mới sinh có mang gien gây tích tụ alpha-synuclein trong não. Trong đó, đàn chuột con lần lượt được cho dùng 50mg caffeine hoặc 12mg EHT trên mỗi kg trọng lượng, hoặc dùng chung cả 2 chất này trong thức ăn và nước uống mỗi ngày trong 6 tháng.

Ảnh: Newnationnews.org

Ảnh: Newnationnews.org

Sau khi đánh giá kỹ năng di chuyển, học hỏi và ghi nhớ của đàn chuột, nhóm nghiên cứu nhận thấy việc dùng kết hợp cả caffeine và EHT đã giúp chúng đạt điểm số cao hơn so với khi tiêu thụ riêng từng chất. Qua kiểm tra não chuột, họ phát hiện sự kết hợp của caffeine và EHT đã thúc đẩy hoạt động của PP2A, prôtêin giúp ngăn chặn sự tích tụ các khối alpha-synuclein. Hai hợp chất này cũng giảm viêm não, một biểu hiện của Parkinson.

Trước phát hiện trên, nhóm nghiên cứu kết luận việc kết hợp caffeine và EHT có thể tạo ra một loại dược phẩm mới để điều trị bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ thể DLB ở người. “Điều quan trọng là xác định đúng liều lượng và tỷ lệ thích hợp, để người dùng không tiêu thụ caffeine quá mức cũng như có thể gặp các hệ lụy về sức khỏe”, trưởng nhóm Mouradian cho biết.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins đã thực nghiệm thành công một phương pháp chụp ảnh não mới có thể chẩn đoán sớm các dấu hiệu của Alzheimer, mang đến hy vọng sớm nhận diện và làm chậm tiến triển của căn bệnh chưa có thuốc chữa này.

Ở nghiên cứu trước đó, nhóm chuyên gia đã tìm ra 3 chỉ dấu sinh học có thể giúp nhận diện bệnh Alzheimer từ khoảng 550 chỉ dấu tiềm năng. Từ đây, họ tiến hành các cuộc thử nghiệm để kiểm chứng trên 3 nhóm đối tượng: bệnh nhân Alzheimer, người khỏe mạnh từ 25-38 tuổi và người từ 50 tuổi trở lên.

Trong thử nghiệm đầu tiên, mỗi người được tiêm 2/3 chỉ dấu sinh học, sau đó được chụp cắt lớp bằng bức xạ positron (PET) não bộ để xem chỉ dấu nào giúp nhận diện bệnh tốt nhất. Kết quả cho thấy hai chỉ dấu sinh học này đã làm cho các mảng bám prôtêin tau trong não bệnh nhân Alzheimer sáng lên. Ở thử nghiệm thứ hai, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra chỉ dấu hoạt động tốt nhất là F-18 RO948 ở bệnh nhân Alzheimer và nhóm đối chứng gồm những người khỏe mạnh. Họ phát hiện rằng chỉ dấu mới này không bám dính bừa bãi vào các mô khác không có bệnh - đồng nghĩa nó sẽ giúp các chuyên gia biết rõ bộ não có thể tích tụ bao nhiêu prôtêin.

“Chúng tôi phát hiện có ít nhất 2 cách chụp ảnh prôtêin tau trong não và theo các nhà thần kinh học, nó có thể giúp phát hiện sớm bệnh Alzheimer và theo dõi hiệu quả của các phương pháp điều trị trong tương lai”, trưởng nhóm Wong phấn khởi cho biết.

Do bệnh Alzheimer hiện chưa có thuốc chữa và việc chẩn đoán dựa trên đánh giá trí nhớ không đáng tin cậy, các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên tích cực tập thể dục, xây dựng mối quan hệ xã hội và bổ sung thực phẩm cung cấp axít béo omega-3 có lợi trí não để ngăn chặn hoặc trì hoãn tiến triển của căn bệnh này.

Theo Daily Mail

comment Bình luận

largeer