Những vấn đề sức khỏe cần lưu ý trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2022 sẽ kéo dài 4 ngày, chắc hẳn nhiều gia đình đã lựa chọn cho mình những chuyển đi thú vị, cùng với đó cuộc sống sinh hoạt ăn uống sẽ thoải mái hơn. Tuy nhiên, một trong những yếu tố để chuyến du lịch được diễn ra trọn vẹn đó chính là sức khỏe. Hãy lưu ý những nguy cơ sức khỏe dưới đây để phòng tránh.
27/04/2022 10:17

Say nắng, nóng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi ở ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể. Các biểu hiện cho tình trạng này là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu.., còn có thể đột quỵ.

Cảm cúm

Bệnh xảy ra do cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, lạm dụng nước đá lạnh... Biểu hiện chủ yếu là sốt, đau họng, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu… Đặc biệt, khu du lịch là chỗ đông người nên rất dễ lây lan bệnh tật.

An toàn vệ sinh thực phẩm

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mất vệ sinh an toàn thực phẩm thường gây ra tiêu chảy. Nếu tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa thường thoáng qua là sẽ hết nhưng nếu tiêu chảy mà kèm theo sốt thường liên quan đến vi khuẩn. Trong những trường hợp nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như vậy phải dùng kháng sinh, tuy nhiên phải vào cơ sở y tế để có lời khuyên chính xác.

Nếu tiêu chảy thông thường do chế độ ăn uống mất cân đối hay ăn quá nhiều, ăn phải thức ăn không hợp cơ địa thì dị ứng trong dinh dưỡng cũng dễ xảy ra. Trong những trường hợp như vậy cố gắng tìm những loại thức ăn mình bị dị ứng để tránh ăn. Tuy nhiên chế độ ăn uống vẫn phải cung cấp đủ dinh dưỡng. Các loại thực phẩm tốt cho bệnh tiêu chảy, làm cho tiêu chảy ít trầm trọng hơn như thịt gà trắng, hồng xiêm, ổi, táo….

Để phòng tránh tiêu chảy có thể mang theo những gói men tiêu hóa (dạng gói bột) giúp bao phủ bề mặt niêm mạc đường tiêu hóa giảm bớt các yếu tố vi khuẩn tấn công trực tiếp vào niêm mạc đường tiêu hóa.

Khi đi du lịch, đi chơi, để tránh vấn đề an toàn thực phẩm, rối loạn tiêu hóa xảy ra nên chọn những thức ăn đã quen, không nên chọn các món lạ để tránh dị ứng với các thực phẩm đó. Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nên tham vấn kỹ các nhà hàng, quán ăn trước khi vào ăn.

Hạn chế sử dụng rượu bia

Trong những dịp nghỉ lễ, lượng rượu bia tiêu thụ khá nhiều, do đó những cấp cứu liên quan đến rượu bia cũng tăng lên. Uống rượu nhiều sẽ đưa vào cơ thể thành phần andehit - là chất khá độc, sử dụng rượu nhiều buộc gan làm việc quá sức có thể gây bệnh suy gan với những người có bệnh nền gan từ trước, hoặc có thể gây tổn thương gan với những người có lá gan khỏe mạnh.

Sử dụng rượu bia không cấp phép (rượu công nghiệp) có thể bị ngộ độc methanol gây rối loạn thị lực, hôn mê, gây suy đa tạng. Chỉ nên sử dụng 50g cồn mỗi ngày (2,5 lon bia/ngày), 5 ngày/tuần để cơ thể có thời gian thải chất độc ra ngoài. Kể cả việc sử dụng thuốc giải rượu, cũng không nên vượt quá 50g cồn/ngày, việc sử dụng quá nhiều cồn khiến gan, tụy, thận làm việc quá sức, những người có bệnh nền khiến triệu chứng bệnh nền tăng lên nhiều.

Những người tửu lượng kém thì không nên cố uống sẽ không tốt cho sức khỏe. Không sử dụng rượu bia với những bữa ăn giàu protit (bữa ăn thịnh soạn) bởi có thể gây tình trạng viêm tụy cấp, người bệnh đau bụng dữ dội, có thể suy đa tạng dẫn tới tử vong… Nước ngọt, nước có gas cũng không nên sử dụng quá nhiều bởi có thể gây thừa cân, béo phì (một trong những nguyên nhân gây béo phì là tiêu thụ nước ngọt ít nhất 3 lần/ tuần) là căn nguyên gây ra nhiều bệnh mạn tính khác như tim mạch, đái tháo đường…

Đề phòng dị ứng thực phẩm

Những người có cơ địa dị ứng cần nhớ mình bị dị ứng với những loại thực phẩm gì để tránh các loại thực phẩm đó. Tăng cường thực phẩm giải độc cho gan giúp chức năng gan tốt hơn, không sử dụng rượu bia, với những thực phẩm chế biến sẵn cần thận trọng, nên hỏi thành phần trước khi sử dụng để nếu có thực phẩm gây dị ứng cho cơ thể thì tránh ăn. 

Rối loạn giấc ngủ

Bệnh thường xảy ra đối với người cao tuổi do thay đổi chỗ ngủ, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, trạng thái mệt mỏi và căng thẳng thần kinh vận động thể lực quá mức... nên khó đi vào giấc ngủ.

Các bệnh lý mạn tính

Những người có bệnh mạn tính cần chú ý khi du lịch nghỉ lễ, nhất là với bệnh hen suyễn, tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer