Ninh Bình chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), Sở Y tế Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, theo dõi, nhất là đối với các ổ dịch cũ, nhằm chủ động phòng, chống, không để bệnh SXH xuất hiện và lây lan diện rộng.
09/06/2022 09:48

Huyện Nho Quan là địa phương thường xuyên xảy ra úng lụt, do đó việc phòng chống các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH được ngành Y tế địa phương quan tâm. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan: Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão nói chung, bệnh SXH nói riêng, Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh tới các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng thường xuyên xảy ra mưa úng, bão lũ.

Hiện nay, mặc dù hiện trên địa bàn huyện chưa xuất hiện ca bệnh SXH nào, nhưng Trung tâm Y tế Nho Quan không chủ quan, lơ là. Ngành Y tế huyện chỉ đạo các đơn vị trong ngành, chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện theo dõi, giám sát, kiểm tra, khoanh vùng… khi xuất hiện ca bệnh kịp thời có phương án xử lý, không để lây lan thành dịch. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đồng thời, yêu cầu các Trạm Y tế chuẩn bị sẵn sàng về thuốc men, phương tiện, hóa chất khử trùng và các vật dụng để kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh bùng phát...

Đối với xã Gia Thịnh (huyện Gia Viễn), là nơi ghi nhận các ca bệnh nội sinh năm 2021, công tác phòng chống dịch được quan tâm thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh cho biết: Năm 2021, trên địa bàn thôn Đồng Chưa của xã có 2 trường hợp mắc SXH. Trong khi năm nay, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và dễ phát sinh bệnh dịch. Đòi hỏi công tác phòng chống dịch cần được thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Theo đó, mặc dù năm nay chưa ghi nhận ca bệnh SXH, nhưng chính quyền xã chỉ đạo Trạm Y tế phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân hiểu rõ, trong điều kiện thời tiết nắng mưa đan xen như hiện nay sẽ là môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển, gây bệnh và gia tăng nguy cơ thành dịch. 

Cùng với đó, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ môi trường, vệ sinh nguồn nước, phun thuốc phòng trừ, khử khuẩn môi trường… không để muỗi sinh sản, phát triển lây lan bệnh ra cộng đồng.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết: Mặc dù hiện nay huyện Gia Viễn chưa có trường hợp nào mắc SXH, tuy nhiên, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện vẫn chỉ đạo các trạm y tế và chính quyền địa phương tổ chức giám sát dịch tễ tại cộng đồng, nhất là những nơi ổ dịch cũ, từng có người mắc SXH. 

Tổ chức phun hóa chất 100% các khu vực này, đồng thời khuyến cáo người dân khi phát hiện mắc SXH phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời, không để bệnh chuyển biến nặng.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do muỗi truyền bệnh với tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Hiện bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng chống hiệu quả. Ai cũng có thể mắc SXH, đặc biệt, bệnh xảy ra ở người lớn gây nhiều biến chứng nặng nề nên không được coi thường. 

Hiện nay, phương án phòng bệnh được coi là biện pháp hữu hiệu nhất. Để phòng chống SXH hiệu quả, cần sự chung tay của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng nâng cao ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình, như phun hóa chất diệt muỗi và diệt lăng quăng, bọ gậy.

Hơn nữa, cần lưu ý với các triệu chứng của SXH vì có một số biểu hiện ban đầu giống với nhiễm COVID-19, dễ gây nhầm lẫn như sốt cao, đau đầu, mỏi người... Tuy nhiên, triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn... Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... 

Theo thống kê tại tỉnh Ninh Bình, dịch bệnh SXH bùng phát mạnh nhất vào năm 2017 với 708 trường hợp mắc. Các năm tiếp theo từ năm 2018-2021 lần lượt là 111, 231, 122, 11 trường hợp  mắc. Các trường hợp bệnh ghi nhận ở hầu hết các huyện và có những ổ dịch lưu. Ngành Y tế nhận định và dự báo, năm 2022 là năm có nguy cơ cao dịch bùng phát do bệnh sốt xuất huyết thường gây dịch với chu kỳ 5-6 năm, trong đó thời điểm gần nhất dịch bệnh bùng phát trên cả nước là năm 2017. 

Trong khi, lưu lượng giao thông cả về người, hàng hóa, xe cộ từ các tỉnh khác về tỉnh Ninh Bình là rất lớn, thường xuyên và khó kiểm soát. Cùng với đó là vấn đề biến đổi khí hậu, như mùa hè có thể kéo dài hơn, nhiệt độ trung bình và lượng mưa có thể cao hơn so với mọi năm dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh; môi trường không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng do muỗi truyền bệnh... 

Hơn nữa, sự chủ động, phối hợp của người dân và các ban, ngành, đoàn thể chưa phát huy hết hiệu quả. Ý thức tự phòng bệnh của người dân còn thấp, thường phó mặc cho ngành Y tế... 

Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần bảo vệ sức khỏe từ bên ngoài: Thực hiện tốt việc tiêm phòng các mũi vắc xin phòng chống bệnh truyền nhiễm đã có. Tập thể dục thường xuyên, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Mỗi người dân cần có trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống, không để bệnh SXH có điều kiện phát sinh, gây bệnh. 

Ngoài ra, khi các thành viên trong gia đình có người ho, sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, không tự ý hạ sốt và chữa bệnh tại nhà. 

Theo Báo Ninh Bình

comment Bình luận

largeer