Nước ngọt ăn kiêng cũng liên quan đến tim mạch

Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí của Đại học Tim mạch Mỹ, các loại nước ngọt dành cho người ăn kiêng cũng gây hại cho sức khỏe tim mạch giống như nước ngọt thông thường.
31/10/2022 21:11

Ðể đưa đến cảnh báo trên, các chuyên gia tại Ðại học Sorbonne Paris Nord (Pháp) đã phân tích dữ liệu của hơn 104.000 người tham gia một nghiên cứu kéo dài hơn 10 năm. Trong đó, các tình nguyện viên được yêu cầu điền vào 3 bảng khai về chế độ ăn uống trong 24 giờ của họ, định kỳ 6 tháng/lần. Dựa trên mức độ tiêu thụ thức uống chứa đường hoặc thức uống dành cho người ăn kiêng, họ được chia thành 3 nhóm gồm: không uống, uống ít và uống nhiều. Trong đó, thức uống chứa đường (sugary drink) bao gồm nước ngọt, nước trái cây và si-rô từ 5% đường, cũng như nước trái cây nguyên chất. Còn thức uống ăn kiêng (diet drink) chỉ chứa các chất làm ngọt “không dinh dưỡng” như aspartame hoặc sucralose và thành phần tự nhiên từ cỏ ngọt stevia.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhóm nghiên cứu nhận thấy những người tiêu thụ ở mức cao thức uống chứa đường hoặc chứa chất làm ngọt nhân tạo đều có nguy cơ khởi phát các vấn đề tim mạch (như bệnh tim, đột quỵ) cao hơn 20% so với những người không tiêu thụ hai loại nước ngọt này. “Tiêu thụ thức uống chứa đường và đường nhân tạo nhiều có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, chứng tỏ thức uống chứa chất làm ngọt nhân tạo không phải là lựa chọn thay thế lành mạnh cho thức uống chứa đường” - trưởng nhóm Eloi Chazelas kết luận. 

Tuy chưa khẳng định mối quan hệ “nhân-quả” giữa tiêu thụ thức uống ăn kiêng với sự phát triển các bệnh tim mạch, song nghiên cứu mới củng cố thêm bằng chứng về sự liên quan giữa hai yếu tố này. Ðơn cử, một nghiên cứu hồi năm ngoái phát hiện dùng nhiều hơn 2 phần thức uống chứa đường nhân tạo/ngày có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ do huyết khối, đau tim và tử vong sớm ở phụ nữ trên 50 tuổi. Tương tự, một nghiên cứu khác cũng trong năm 2019 cho biết phụ nữ uống từ 4 ly nước chứa đường nhân tạo/ngày dễ chết sớm vì bệnh tim mạch. Không chỉ vậy, các bằng chứng trước đó cũng chỉ ra mối liên quan giữa thức uống ăn kiêng với bệnh đột quỵ, mất trí nhớ, tiểu đường tuýp 2, béo phì và hội chứng chuyển hóa - đều là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim.

Làm gì nếu lỡ “nghiện” nước ngọt?

Ðể có thể cắt đứt cơn thèm nước ngọt, chuyên gia dinh dưỡng Lisa Drayer khuyên mọi người nên giảm dần lượng nước ngọt dùng hằng ngày. Ví dụ, giảm số lượng tiêu thụ cho đến lúc chỉ còn dùng 1 ly mỗi ngày, sau đó uống cách ngày và tiếp tục nới rộng khoảng cách cho tới lúc hoàn toàn loại bỏ nước ngọt khỏi chế độ ăn uống.

Bạn có thể tự đặt ra thử thách không dùng đường trong 2 tuần để bản thân từ từ bớt thèm thức uống ngọt. Nếu thấy khó thực hiện, bạn có thể uống xen kẽ thức uống chứa đường với nước khoáng hoặc nước có ga (sparkling water hoặc carbonated water) để cuối cùng có thể thay thế nước ngọt bằng hai loại nước này. 

Tuy vậy, các chuyên gia khuyên tốt nhất là nên uống nước lọc bởi đây là nguồn cấp nước hoàn hảo cho cơ thể. Nếu muốn, bạn có thể thêm vài lát cam, chanh, dâu tây, dưa hấu hoặc trái cây nào tùy thích vào nước uống để tăng hương thơm và mang lại vị ngọt nhẹ tự nhiên.

Theo Daily Mail

comment Bình luận

largeer