PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo gì về nguy cơ của đợt dịch COVID-19 này?

PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 không có đợt dịch nào giống nhau. Đợt dịch này vào đúng thời điểm nghỉ lễ, trong khi từ ca F0 chỉ điểm ở Hà Nam lại có tốc độ lây lan nhanh trong thời gian rất ngắn...
01/05/2021 17:49

Phải điều tra thật kỹ nguồn lây ca chỉ điểm ở Hà Nam

PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, đối với ca bệnh chỉ điểm ở Hà Nam, mặc dù tỉnh Hà Nam và những địa phương liên quan đã nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống dịch, đã thần tốc truy vết, tuy nhiên do hiện chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh chỉ điểm mà có một số giả thiết về nguồn lây của ca bệnh này:

- Bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó về nhà mới phát bệnh. Vừa rồi, Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp lây nhiễm trong khu cách ly như tại Yên Bái, …

- Bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh có thể 14 ngày hoặc dài hơn nên thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 không phát hiện ra dương tính.

Empty

Dù trên thực tế vẫn có những ca bệnh COVID-19 ủ bệnh trên 14 ngày nhưng rất ít. Nên quy định cách ly tập trung đủ 14 ngày với xét nghiệm 3 lần âm tính sau đó tiếp tục về nhà giám sát, hạn chế tiếp xúc thêm 14 ngày như Bộ Y tế quy định hiện là chặt chẽ.

- Trong quá trình di chuyển trên các phương tiện hoặc gặp gỡ người khác nên lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được.

PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá, phải phân tích kỹ, điều tra thật kĩ để xác định nguyên nhân nhiễm bệnh của ca bệnh này vì dương tính sau khi hết thời hạn cách ly 14 và đã qua 3 lần xét nghiệm đều âm tính

 “Phải điều tra kỹ nếu nguyên nhân mang mầm bệnh, nếu từ khi trong khu cách ly thì sẽ kiểm soát được nhanh vì đã kiểm soát được trường hợp F1, quản lý được F2; nếu lây ở cộng đồng thì phức tạp hơn (vì chưa rõ nguồn lây ở đâu, trên xe khách hay chính tại địa phương) nên sẽ khó truy vết được hết các trường hợp F1 và F2.”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Empty

Tỉnh Hà Nam huy động rất đông nhân lực, vật lực làm nhiệm vụ khoanh vùng dập dịch

Quyết liệt nhanh chóng hơn nữa truy vết hết các F0, F1, F2

PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, phải thống nhất một quan điểm trong công tác phòng, chống dịch là không có đợt dịch nào giống nhau, đặc biệt, đợt dịch này vào đúng thời điểm nghỉ lễ, trong khi từ ca F0 chỉ điểm ở Hà Nam lại có tốc độ lây lan nhanh trong thời gian rất ngắn, hiện lây ra thêm 3 tỉnh, thành khác chỉ qua đường tiếp xúc, F1 thành F0, F2 thành F0…

“Dịch trên thế giới phức tạp đã rõ nhưng chúng ta cần lưu ý chính ở các nước Đông Nam Á. Đơn cử như Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippine đang rất căng thẳng và tôi lo ngại một chu kỳ bùng phát ở Đông Nam Á. Đặc biệt là những nước đang nóng lòng dỡ bỏ các giải pháp tập trung đông người và miễn dịch cộng đồng chưa cao”- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Việt Nam hiện đã ghi nhận chủng lây lan nhanh là chủng ở Anh, chủng ở Nam Phi, chủng Ấn Độ.  Do đó, PGS.TS Trần Đắc Phu không loại trừ ổ dịch xuất hiện tại nước ta lần này liên quan đến chủng lây lay lan nhanh. Trong đó, Hà Nam cũng có thể liên quan đến chủng này.

Empty

Hình ảnh ghi nhận tại Bãi Sau TP.Vũng Tàu chiều ngày 30/4

Tại Hà Nội, nguy cơ rất cao vì liên quan đến dịp nghỉ lễ, nhiều người trở lại Thủ đô. Điểm nữa là trong cộng đồng không dấy lên chu kỳ sốt ho nhưng chúng ta cần chú ý là không lơ là, vì tốc độ lây lan của chủng mới này rất khủng khiếp.

“Do đó, các địa phương phải quyết liệt nhanh chóng hơn nữa truy vết hết các F0, F1, F2. Khó mấy cũng phải làm, việc này rất quan trọng vì phải chạy nhanh, chạy đua với dịch. Nếu không nhanh để lây lan nhanh thì từ 1 ca ra rất nhiều ca bệnh”- PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.

PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý công tác xét nghiệm trên diện rộng trên toàn địa bàn thôn, xã – nơi ở, nơi qua lại của ca F0, xét nghiệm trên diện rộng một cách có chỉ định.

"Cùng đó, các địa phương phải rà soát lại các khu cách ly. Bài học lây nhiễm trong khu cách ly của Yên Bái gần đây nhất chính là bài học của các địa phương khác trong vấn đề cách ly. Nếu lơ là, không tuân thủ mọi quy trình đã hướng dẫn thì có thể dịch bệnh sẽ lây lan ngay trong chính khu cách ly”- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Bài học lễ hội sông Hằng- Ấn Độ vẫn đang “nóng”

Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 này, dù Ban Bí thư, Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu tuân thủ phòng chống dịch, thực hiện nghiêm 5K, tuy nhiên tại một số địa phương điển hình như tại 1 bãi biển tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trong ngày 30/4 đã có khoảng hơn 70.000 người vui chơi, tắm biển chen chúc; rồi bãi biển Sầm Sơn- Thanh Hoá người cũng chen nhau.

Chuyên gia Trần Đắc Phu cho hay điều này vô cùng nguy hiểm cho phòng chống dịch hiện nay. “Nếu trong đám đông đó có người nhiễm sẽ dẫn đến lây nhiễm với số ca trong cộng đồng rất lớn và rất khó truy vết nhanh. Thậm chí nhiều người không có triệu chứng, ẩn nấp trong cộng đồng, khó phát hiện ra, dẫn đến công tác phòng chống dịch bệnh sẽ thêm khó khăn” - PGS.TS Trần Đắc Phu bày tỏ lo ngại.

Do đó, chuyên gia Trần Đắc Phu khuyến cáo, trong điều kiện bình hình mới như hiện nay, ý thức người dân cần nâng cao hơn. Càng chỗ đông người càng cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là tuân thủ 5K…Về phía chính quyền, cũng cần phát loa thông tin hoặc phân công nhân lực nhắc nhở để người dân tuân thủ quy định về phòng chống dịch; xử phạt nghiêm những người vi phạm.

“Bài học lễ hội sông Hằng của Ấn Độ khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh chóng vẫn còn nguyên giá trị. Do đó, trong tình hình hiện nay cả người dân và chính quyền địa phương càng cần phải nâng cao tinh thần phòng chống dịch” - Chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh. 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu

comment Bình luận

largeer