Phản ứng trên da sau tiêm vaccine Covid-19 'là điều tốt'

Phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19, như sưng tấy ngón chân, mẩn đỏ cánh tay, gọi là "ngón chân Covid" "cánh tay Covid", thể hiện hệ miễn dịch đang hoạt động hiệu quả, theo chuyên gia y tế.
13/04/2021 08:34

Tina Burke, 40 tuổi, y tá tại khoa ung thư Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ, tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên vào ngày 3/1. Sáu ngày sau, cô bị phát ban ở cánh tay, nhưng "không nghĩ ngợi gì nhiều". Đến ngày tiếp theo, cô thức dậy, thấy khắp bàn tay và gót chân nổi đầy mụn đỏ, mẩn ngứa.

"Nó lan khắp bàn tay và quanh gót chân tôi. Tôi thậm chí có thể cảm nhận một vết trên vòm miệng của mình. Cơn ngứa kinh khủng đến mức tôi không thể ngủ nổi", cô nói.

Cô lo rằng phát ban là tác dụng phụ của vaccine Moderna và sợ mình không thể tiêm liều thứ hai vì cơ địa dị ứng.

phan ung phu

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho một tài xế tại điểm tiêm chủng lưu động ở Pomeroy, Ohio, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

"Đó là nỗi sợ lớn nhất của tôi. Tôi muốn tiêm chủng. Tôi lo mình không được tiêm vaccine hơn là phản ứng của cơ thể", cô chia sẻ.

"Cánh tay Covid" (Covid arm) là phản ứng rất thường thấy sau tiêm vaccine. Theo đó, người dùng bị mẩn đỏ ở vùng tiêm vài ngày. Số khác có phản ứng chậm hơn, các vết đỏ lan ra vùng khác của cơ thể sau khi tiêm các loại vaccine mRNA như Pfizer và Moderna.

Esther Freeman, phó giáo sư da liễu tại Trường Y Harvard, cho biết: "Chúng tôi đã thấy các loại phản ứng ngoài da sau tiêm ở nhiều bộ phận trên cơ thể, bên cạnh cánh tay. Các triệu chứng này bất thường nhưng nhẹ, thường tự khỏi hoặc điều trị bằng thuốc không theo đơn, chẳng hẹn kem bôi steroid hoặc kháng histamine (một loại thuốc dị ứng)".

Các chuyên gia cho biết những người gặp phản ứng phụ sau tiêm liều đầu tiên không cần trì hoãn tiêm liều thứ hai.

"Dù các phản ứng trên da với vaccine trông đáng sợ, hầu hết chúng không nghiêm trọng hay kéo dài. Chúng cho thấy vaccine đang giúp cơ thể bạn phát triển phản ứng miễn dịch, đây là điều rất tốt", ông Freeman nói.

Phản ứng phụ bao gồm nổi mề đay, phát ban giống sởi, phát ban toàn thân tương tự bệnh vảy phấn hồng. Những người từng tiêm fillers để xóa nhăn trước khi dùng vaccine cũng bị sưng tấy. Phó giáo sư Freeman cho biết số ca mắc zona thần kinh sau tiêm vaccine ngày càng tăng, dù chưa thể biết đây là nguyên nhân.

Ông cũng xác định một số người bị phản ứng phụ "ngón chân Covid", biểu hiện giống với cước. Theo đó, ngón chân người dùng vaccine trở nên bóng đỏ, sưng tấy, ngứa ngáy. Đây là một dạng khu trú của viêm mao mạch, từng là triệu chứng ở người mắc Covid-19.

Giáo sư Beth Drolet, chủ nhiệm khoa da liễu tại Đại học Y khoa và Y tế Công cộng thuộc Đại học Wisconsin, cho biết: "Tình trạng này không xảy ra vào mùa hè. Các ngón chân của người tiêm chủng đôi khi xanh tái trong nhiều tuần, nhưng cuối cùng chúng sẽ trở lại bình thường".

Lisa Arkin, giám đốc khoa da liễu nhi tại Wisconsin, nhận định: "Khi đợt triển khai vaccine tăng tốc vào mùa xuân hè năm nay, số ca ‘ngón chân Covid’ sẽ tăng lên. Có thể dễ dàng điều trị tình trạng này bằng việc làm nóng bàn chân. Đôi khi nó cũng tự khỏi. Thỉnh thoảng chúng tôi cho người bệnh dùng thuốc bôi ngoài da. Song hầu hết bệnh nhân chỉ sưng và ngứa nhẹ, sẽ trở lại bình thường trong vài ngày đến vài tuần".

Theo ông Freeman, chỉ một nửa số người phản ứng phụ với liều đầu tiên tiếp tục gặp tình trạng này khi tiêm liều thứ hai. Hầu hết chuyên gia cho rằng các triệu chứng thể hiện hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả, song các phân tích chưa cụ thể. Phó giáo sư Freeman cho rằng người tiêm chủng bị "ngón chân Covid" là do cơ thể sản sinh tế bào miễn dịch alpha interferon quá mạnh mẽ. Tình trạng này thường xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc virus nói chung.

Giáo sư Adam Friedman, chủ nhiệm khoa da liễu tại Trường Y khoa và Khoa học Sức khỏe George Washington, đã tiếp nhận một số bệnh nhân bị phát ban sau tiêm vaccine. Ông cho biết điều kiện sinh sống, môi trường, hành vi, cảm giác căng thẳng, thậm chí phấn khích, cũng góp phần tạo ra phản ứng phụ.

"Thực tế là giới khoa học đều nghĩ tích cực về vaccine, về việc nó tạo ra phản ứng miễn dịch ấn tượng", ông nói.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng là cơ sở y tế không nhầm lẫn phản ứng ngoài da sau tiêm với chứng bệnh viêm nhiễm và kê đơn kháng sinh không phù hợp.

"Đây không phải loại nhiễm trùng da do vi khuẩn, kháng sinh là ý tưởng tồi", giáo sư Drolet nói.

Họ cho biết các phản ứng này khác với tình trạng dị ứng nghiêm trọng tức thời sau tiêm như sốc phản vệ. Đối với trường hợp của Tina Burke, cô đã tiêm liều vaccine thứ hai hôm 31/1, song được bác sĩ đề nghị uống thêm thuốc kháng histamine.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer