Phát hiện biến chủng COVID-19 có 32 đột biến

Biến chủng B.1.1.529 khiến các nhà khoa học lo ngại khi mang lượng đột biến protein gai cực lớn, dù chỉ mới ghi nhận 10 ca nhiễm ở châu Phi.
25/11/2021 10:06

"Nó thực sự rất cần được theo dõi khi có số lượng đột biến khủng khiếp như vậy", tiến sĩ Tom Peacook, nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London, đăng trên Twitter hôm qua.

Biến chủng B.1.1.529 có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống COVID-19. Các đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.

Ravi Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, cho biết nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ông phát hiện hai đột biến của B.1.1.529 làm tăng sức lây nhiễm và giảm khả năng nhận biết của kháng thể.

"Nó chắc chắn là lo ngại đáng kể. Một đặc tính chính của virus mà mọi người chưa biết là khả năng lây nhiễm của nó, vì đó dường như là yếu tố chính thúc đẩy biến chủng Delta. Thoát khỏi hệ miễn dịch chỉ là một phần của bức tranh những gì có thể xảy ra", ông nói.

l3

Nhân viên y tế cầm túi mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi, hồi tháng 8/2020

Biến thể mới lần đầu được phát hiện ở Botswana ngày 11/11, nơi ba ca nhiễm đã được giải trình tự gen. 6 ca nhiễm khác được ghi nhận ở Nam Phi và một ở Hong Kong, là du khách trở về từ Nam Phi. Người đàn ông 36 ở Hong Kong có kết quả âm tính trước khi bay tới Nam Phi và lưu trú ở đây từ ngày 22/10 tới 11/11. Người này có kết quả xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh, nhưng cho kết quả dương tính hôm 13/11 khi đang cách ly.

Các nhà khoa học Anh cho biết sẽ tiếp tục theo dõi biến chủng B.1.1.529 để tìm kiếm dấu hiệu cho thấy nó đang phát triển và lan truyền rộng. Trong khi đó, các nhà khoa học Nam Phi tỏ ra lo ngại, đặc biệt khi nước này ghi nhận ca nhiễm gia tăng ở Gauteng, khu vực phát hiện các trường hợp có biến thể mới.

"Bản chất của virus là đột biến thường xuyên và ngẫu nhiên, không có gì lạ khi phát hiện số lượng nhỏ các trường hợp mang tập hợp đột biến mới", Meera Chand, giám đốc về COVID-19 tại Cơ quan An ninh Y tế Anh, cho hay.

"Rất khó để dự đoán nó có thể lây truyền thế nào trong giai đoạn này. Nó cần được theo dõi và phân tích chặt chẽ, nhưng không có lý do gì để lo ngại quá mức, trừ khi nó bắt đầu tăng tần suất trong tương lai gần", giáo sư Francois Balloux, giám đốc Viện Di truyền UCL, chia sẻ.

Gần 259,7 triệu người nhiễm COVID-19 và gần 5,2 triệu người đã chết trên toàn cầu kể từ khi COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019.

(Theo Guardian)

 

comment Bình luận

largeer