Phát hiện loại thảo dược có khả năng chống Covid-19?

Những thử nghiệm thành công suốt 1 năm qua tại Thái Lan cho thấy xuyên tâm liên (tên khoa học là Andrographis Paniculata) có thể là loại thảo dược tiềm năng đánh bại được SARS-CoV-2, chủng vi rút gây ra đại dịch Covid-19.
22/04/2021 14:40

Nhật báo Bangkok Post hôm 19.4 xác nhận: Sau 5 ngày điều trị, hơn 300 bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ đã được chữa khỏi nhờ xuyên tâm liên, một loại thảo dược mọc phổ biến tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

"Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và điều trị, chúng tôi tin xuyên tâm liên có thể chữa khỏi cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ", Phó cục trưởng Cục Y học cổ truyền và liệu pháp thay thế Thái Lan, bác sĩ Kwanchai Wisitthanon, cho biết.

Kết quả nghiên cứu ấn tượng

Tháng 4 năm ngoái, nhóm học giả thuộc Viện Sinh học của Vụ Khoa học y tế, trực thuộc Bộ Y tế Thái Lan, đã phát hiện dược tính của xuyên tâm liên có thể ức chế và tiêu diệt SARS-CoV-2 trong các thí nghiệm được tiến hành.

Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ - bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết xuyên tâm liên là cây thuốc mọc rất phổ biến tại VN và cũng khá dễ trồng. “Với nhiều thế hệ người Việt Nam, cả trong và ngoài ngành y, xuyên tâm liên thường được nhớ đến là loại dược liệu giúp kháng khuẩn, giảm viêm tốt khi các loại thuốc tây hay thuốc kháng sinh vẫn còn chưa phổ biến”.

“Xuyên tâm liên nằm trong nhóm thanh nhiệt, giải độc của đông y, thường dùng để điều trị cảm cúm, viêm phổi, viêm amidan hay viêm đường tiết niệu...”, bác sĩ Lan cho hay.

Đại diện của Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cũng khuyến cáo người dân, nhất là những người có cơ địa hàn hay mắc những bệnh lý do hàn, phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng xuyên tâm liên.

shutterstock_1713922579_xlux

Sau đó, để chứng minh loại thảo dược này cũng mang đến kết quả tích cực tương tự khi điều trị trên người mắc Covid-19, cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đã được Viện Nghiên cứu y học cổ truyền Thái Lan (trực thuộc Cục Y học cổ truyền và liệu pháp thay thế Thái Lan) tiến hành với sự tham gia của những bệnh nhân đã biểu hiện những triệu chứng nhiễm Covid-19 nhẹ như đau họng, nhức đầu, ho hay sổ mũi. Họ được cho uống 180 mg xuyên tâm liên/ngày, chia đều làm 3 lần vào lúc 6 giờ sáng, 2 giờ chiều và 10 giờ tối, uống liên tục trong 5 ngày.

Trong quá trình đó, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu của từng bệnh nhân vào các ngày thứ nhất, thứ ba, thứ năm của cuộc thử nghiệm để kiểm tra lượng SARS-CoV-2 và nhận thấy phương thức điều trị bằng xuyên tâm liên mang đến kết quả khả quan.

"Trong vòng 3 ngày kể từ khi sử dụng xuyên tâm liên, tình trạng của các tình nguyện viên mắc Covid-19 đều được cải thiện. Mọi triệu chứng của bệnh đã biến mất sau 5 ngày làm thử nghiệm mà không xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ nào", tiến sĩ Kulthanit Wanaratna, đại diện Viện Nghiên cứu y học cổ truyền Thái Lan, cho biết.

Với kết quả ấn tượng trên, hồi đầu tháng 4 năm nay, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự hỗ trợ từ giới chức y tế Thái Lan, cho phép nhóm hợp tác với 9 bệnh viện lớn của nước này để điều trị cho hơn 300 bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ (không nằm trong diện phải điều trị chuyên biệt bằng thuốc kháng vi rút, theo quy định của Bộ Y tế Thái Lan, mà chỉ được uống thuốc ho hoặc hạ sốt tùy triệu chứng cụ thể) và thu được kết quả lý tưởng trên.

Tuyệt đối không được tự ý sử dụng

Tuy nhiên, các chuyên gia Thái Lan khuyến nghị mọi người không được dùng xuyên tâm liên bừa bãi. Cụ thể, tiến sĩ Kulthanit Wanaratna khẳng định loại dược liệu này chỉ nên được dùng cho những trường hợp nhiễm Covid-19 đã biểu hiện các triệu chứng rõ ràng.

“Xuyên tâm liên không được chứng minh có thể phòng ngừa Covid-19. Với những bệnh nhân Covid-19 đã bị ho, sốt, đau họng hoặc chảy nước mũi, thì có thể tham khảo liệu trình trên", chuyên gia Kulthanit nhấn mạnh.

Đặc biệt, tiến sĩ Kulthanit lưu ý không phải ai cũng có thể dùng xuyên tâm liên. Phụ nữ có thai, đang cho con bú, những người có vấn đề về thận, gan và những người thường xuyên dùng thuốc cao huyết áp, thuốc làm loãng máu… đều nằm trong nhóm không nên dùng. Ngoài ra, đây là loại dược liệu có tính hàn, sử dụng liên tục hoặc quá liều có thể gây tê tay chân, hạ huyết áp, ảnh hưởng đến gan, thận… Người bệnh nhất thiết phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, có sự tư vấn, hướng dẫn kỹ càng trước khi sử dụng.

Theo Thanh niên

comment Bình luận

largeer