Phát hiện mối liên quan giữa ngừng thở khi ngủ và bệnh tự miễn

Hàm lượng cytokine - chất gây sưng viêm thường tăng cao ở người mắc các bệnh tự miễn - được phát hiện cũng gia tăng bất thường ở những người mắc chứng ngừng thở khi ngủ (OSA). Các nhà khoa học Mỹ công bố phát hiện này sau khi thực hiện nghiên cứu mới về mối liên quan giữa OSA và các bệnh tự miễn.
25/10/2022 07:28

Bệnh nhân mắc OSA thường bị gián đoạn hơi thở nhiều lần trong khi ngủ. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh này gồm ngủ ngáy, thở gấp lúc ngủ, luôn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày và rối loạn chức năng tình dục. Có nhiều yếu tố dẫn đến OSA như béo phì, amidan sưng to, suy thận hoặc suy tim. Ðáng nói, OSA có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý nguy hiểm, trong đó có tim mạch. Theo Hiệp hội nghiên cứu về Ngừng thở khi ngủ của Mỹ, mỗi năm có ít nhất 38.000 người chết vì các vấn đề tim mạch liên quan đến OSA.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ðể kiểm soát OSA, các bác sĩ thường cho bệnh nhân sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) nhằm giúp đường hô hấp trên không bị tắc nghẽn lúc ngủ, nhưng chỉ khoảng 40% số bệnh nhân chịu đeo mặt nạ thở xuyên đêm. Một số trường hợp khác có thể ngậm khung bảo vệ miệng để giữ đường thở luôn mở. Trong khi đó, bệnh tự miễn là hậu quả của chứng rối loạn miễn dịch, khi hệ miễn dịch hoạt động quá yếu hoặc quá mạnh, dẫn đến tấn công “nhầm” các tế bào khỏe mạnh. Những bệnh tự miễn phổ biến gồm có thấp khớp, lupus ban đỏ và đa xơ cứng.

Ðể làm rõ mối liên hệ giữa OSA và bệnh tự miễn, các nhà khoa học tại Ðại học Georgia đã tập trung phân tích hàm lượng của APRIL, CD30, IFN-Alpha-2 và IL-2, là 4 chất cytokine thường tăng cao ở những người bị rối loạn miễn dịch. Theo đó, họ chia 46 đối tượng nghiên cứu thành 3 nhóm, nhóm một gồm 19 người đang điều trị OSA (18 người dùng máy CPAP, người còn lại ngậm khung bảo vệ miệng), nhóm hai gồm 19 bệnh nhân OSA không được điều trị và nhóm đối chứng gồm 8 người khỏe mạnh. Trưởng nhóm nghiên cứu Bradley Phillips cho biết nhóm của ông muốn tìm hiểu những cơ chế tiềm ẩn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn ở bệnh nhân OSA nhưng không điều trị.

Sau khi phân tích mẫu máu những người tham gia, các chuyên gia nhận thấy hàm lượng 3 trong số 4 chất cytokine ở những bệnh nhân OSA có dùng liệu pháp thở CPAP gần giống với hàm lượng cytokine của nhóm đối chứng. Trong khi đó, nhóm bệnh nhân OSA không điều trị có hàm lượng bất thường ở cả 4 cytokine và khác biệt so với nhóm bệnh nhân đang điều trị. Nhóm nghiên cứu tin rằng tình trạng cơ thể thiếu ôxy trong thời gian dài và chất lượng giấc ngủ kém có thể là “thủ phạm” làm tăng lượng cytokine ở người bệnh OSA.

Từ phát hiện trên, các tác giả cho rằng áp dụng liệu pháp thở đối với bệnh nhân OSA là phương pháp hiệu quả để kiểm soát hàm lượng của 4 cytokine liên quan đến bệnh tự miễn. Nghiên cứu cũng lý giải vì sao bệnh OSA có thể dẫn tới rối loạn miễn dịch. Kết quả này có thể giúp các nhà khoa học phát triển những phương pháp hoặc loại thuốc mới để điều trị hiệu quả hơn những bệnh này.

Theo Medical News Today

comment Bình luận

largeer