Phát triển và duy trì giá trị cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Những năm qua, việc duy trì và phát triển diện tích trồng cây dược liệu đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên quan tâm thực hiện, góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong chữa bệnh bằng y học cổ truyền, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.
03/11/2021 14:47
phat huy (2)

Đóng gói sản phẩm cúc chi tại HTX sản xuất, dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú (Văn Lâm)

Theo Quyết định số 1976/2013/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên nằm trong sáu tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định và Thái Bình, phát triển trồng 20 loại dược liệu bao gồm 12 loài bản địa: Cúc hoa, diệp hạ châu đắng, địa liền, đinh lăng, gấc, hòe, củ mài, gương nhu trắng, râu mèo, ích mẫu, thanh hao hoa vàng, mã đề và 8 loài nhập nội: Bạc hà, bạch chỉ, bạch truật, cát cánh, địa hoàng, đương quy, ngưu tất, trạch tả. Ưu tiên phát triển các loại như: Ngưu tất, bạc hà, hòe và thanh hao hoa vàng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 850 ha trồng cây dược liệu, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Văn Lâm, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Để phát huy giá trị cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, hằng năm, Hội Đông y tỉnh sử dụng trên 60% sản lượng dược liệu thu hái từ tự nhiên và trồng tại địa phương để phục vụ công tác điều trị, chữa bệnh bằng thuốc nam cho bệnh nhân. Đồng chí Đặng Thị Phúc, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Ý thức được việc sử dụng đúng cách các nguồn dược liệu sẽ nâng cao hiệu quả trong điều trị bệnh bằng thuốc nam, hạn chế tác dụng phụ.  Do đó, Hội Đông y tỉnh tích cực phát động phong trào trồng cây dược liệu trong nhân dân, khuyến khích hội viên, người dân đưa các loại dược liệu mới vào sản xuất nhằm giảm chi phí trong điều trị bệnh; chỉ đạo hội đông y các huyện, thị xã, thành phố xây dựng vườn thuốc nam với các loài dược liệu khác nhau để chủ động nguyên liệu cho việc chữa bệnh, tuyên truyền người dân về vai trò, tác dụng của các loại dược liệu trong điều trị một số bệnh như: Cảm, ho, đau đầu…

Với lợi thế về thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất nên những năm gần đây, diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện Khoái Châu không chỉ được trồng xen canh ở diện tích cây ăn quả chưa khép tán mà còn mở rộng, hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 500 ha trồng dược liệu; trong đó, có 200 ha diện tích trồng tập trung ở các xã: Bình Minh, Đông Tảo, Đông Kết, Tân Dân. Việc hình thành các vùng dược liệu tập trung đã tạo điều kiện cho người dân trong trồng mở rộng các loại dược liệu quý, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ dược liệu. Ông Lê Đình Hưởng, xã Tân Dân chia sẻ: "Gia đình tôi trồng xen canh địa liền dưới 3 mẫu trồng cam Vinh, cam đường canh. Nhận thấy giá trị kinh tế từ dược liệu, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng và học hỏi, tìm tòi để đưa các loài dược liệu phù hợp thổ nhưỡng về trồng ở diện tích trang trại của gia đình. Hàng năm, gia đình tôi thu hoạch trên 2 tấn địa liền, doanh thu đạt  trên 150 triệu đồng. Đặc biệt trong năm nay, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng gia đình tôi vẫn có lợi nhuận cao từ việc trồng dược liệu".

Huyện Văn Lâm hiện có trên 120 ha trồng cây dược liệu với các loại như: Cúc chi, cốt khí, kinh giới, tía tô, đinh lăng… Để thúc đẩy hoạt động trồng dược liệu trên địa bàn huyện, bên cạnh những chính sách ưu tiên chuyển đổi, hỗ trợ của huyện trong việc hình thành các vùng sản xuất dược liệu, hội viên Hội Đông nam dược huyện, Hội Đông y huyện tích cực trồng, thu mua và sử dụng các loại dược liệu có sẵn ở địa phương như: Đinh lăng, kinh giới, địa liền... Bà Nguyễn Kim Trang - hội viên Hội Đông y huyện Văn Lâm cho biết: "Hiện nay, gia đình tôi thu mua các loại dược liệu sản xuất theo mùa vụ của hội viên và người dân trên địa bàn xã Trưng Trắc với giá bán thỏa thuận. Nguồn nguyên liệu tươi được gia đình tôi sơ chế, đóng bao và xuất đi cho các địa phương trong cả nước. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu mua và tiêu thụ trên 20 tấn dược liệu các loại. Đặc biệt trong mấy tháng đầu năm 2021 này, số lượng thu mua và tiêu thụ tăng gấp đôi năm ngoái".

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc, mỹ phẩm từ thảo dược, hợp tác xã thu mua dược liệu như: Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên, HTX sản xuất, dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú, HTX Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Minh Châu… nên nhu cầu về nguồn cung nguyên liệu dược liệu lớn, tạo tiền đề phát triển bền vững các vùng sản xuất dược liệu. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các địa phương trong việc đưa các giống cây dược liệu mới vào canh tác, chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Hệ thống kinh doanh dược liệu trên địa bàn tỉnh cùng với các cơ sở sản xuất, chế biến, bào chế, chiết xuất dược liệu… góp phần thúc đẩy sự phát triển các vùng trồng dược liệu của tỉnh.

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Mai Thanh

comment Bình luận

largeer