Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đồng Nai tập trung cao độ ngăn không để dịch xâm nhập địa bàn
Sáng 24/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến với tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Kiểm soát chặt nhưng không “ngăn sông cấm chợ”
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 35 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 ca mắc trong đợt 4 này (2 ca liên quan đến các ổ dịch ở TPHCM, 1 ca liên quan đến Đà Nẵng, 1 ca liên quan đến Bình Dương), 500 trường hợp F1; 2.000 trường hợp F2.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Đồng Nai phải tiếp tục tập trung ngăn chặn, không để dịch xâm nhập vào địa bàn (Ảnh: VGP/Đình Nam)
Với đặc thù có mối liên hệ mật thiết với TPHCM và tỉnh Bình Dương, nơi có số lượng ca mắc COVID-19 lớn, do đó, khả năng dịch bệnh xâm nhập vào Đồng Nai rất lớn.
Trên địa bàn Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu công nhân, trong đó có 600.000 người làm việc trong các khu công nghiệp. Thời gian qua tỉnh cũng đã triển khai quyết liệt các giải pháp để bảo đảm an toàn dịch tễ trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ý thức rất cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thậm chí có mức cao hơn khuyến nghị của ngành y tế, chính quyền địa phương. Chính vì vậy, đến giờ này, tình hình Đồng Nai vẫn ổn định.
“Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ, không hạn chế di chuyển giữa vùng có dịch về địa phương, chắc chắn Đồng Nai sẽ có nhiều ca mắc trong thời gian tới”, ông Phan Huy Anh Vũ cho biết.
Hiện tỉnh Đồng Nai đã chuẩn bị 20 khu cách ly tập trung với năng lực tiếp nhận khoảng 5.000 người; chuyển đổi công năng Bệnh viện Phổi Đồng Nai thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19, trong trường hợp cần thiết tiếp tục chuyển đổi công năng Bệnh viện Da liễu Đồng Nai… Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Đồng Nai có 3 đơn vị xét nghiệm khẳng định, năng lực đạt khoảng 5.000 mẫu đơn/ngày, tương đương 50.000 mẫu gộp 10 mẫu đơn/ngày. Trong thời gian tới, dưới sự hỗ trợ của các doanh nghiệp (DN), Đồng Nai có thể nâng công suất lên 12.000 mẫu đơn/ngày.
Liên quan đến kiểm soát người từ TPHCM, Bình Dương về Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo cho biết, từ ngày 2/6, tỉnh đã tổ chức 22 chốt kiểm dịch, đo thân nhiệt, kiểm tra khai báo y tế để kiểm soát người qua lại, nhất là đối tượng lái xe, người áp tải, bốc dỡ hàng hoá trên địa bàn…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng khẳng định với số lượng công nhân đông, nguy cơ lớn, thời gian qua, các lực lượng của Đồng Nai đã gồng mình chống dịch. Tỉnh hoàn toàn không có tư tưởng “ngăn sông cấm chợ”, hàng hoá vẫn liên thông. Các DN đến làm việc đều đề nghị tỉnh phải cố giữ, bởi nếu để dịch xâm nhập là đứt gãy chuỗi sản xuất, DN nguy cơ phá sản.
Trước sức ép từ các địa phương lân cận, trong thời gian tới chắc chắn sẽ xuất hiện những ca bệnh xâm nhập, tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Y tế ưu tiên vaccine để địa phương tiêm cho công nhân; có cơ chế phối hợp với các địa phương lân cận (TPHCM, Bình Dương) để hạn chế người di chuyển tránh lây lan giữa các địa bàn,…
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn (Ảnh: VGP/Đình Nam)
Bảo vệ cơ sở y tế, có chiến lược xét nghiệm phù hợp
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, dù số ca COVID-19 ở Đồng Nai hiện nay là ca đơn lẻ, rõ nguồn xâm nhập, nhưng với đặc thù là địa bàn giáp ranh với nhiều địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ trong thời gian tới là rất cao.
Do đó, trong kế hoạch phòng, chống dịch, tỉnh Đồng Nai cần đánh giá rõ nguy cơ, trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp với từng mức độ dịch; triển khai các giải pháp giám sát chặt chẽ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp để bảo đảm an toàn dịch tễ phòng, chống dịch; triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà có sự giám sát của ngành y tế; chuẩn bị hệ thống máy móc phục vụ xét nghiệm, điều trị…
Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến nghị, Đồng Nai nên có chiến lược xét nghiệm phù hợp, đặc biệt việc bảo vệ các bệnh viện, cơ sở y tế để phát hiện sớm, nhanh các trường hợp có dấu hiệu lâm sàng mắc COVID-19 khi đến khám, chữa trị; phối hợp nhuần nhuyễn phương thức xét nghiệm nhanh, mẫu đơn, mẫu gộp.
Bộ Y tế phân công Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn Đồng Nai trong việc chuẩn bị cơ sở hồi sức, hỗ trợ cho tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu khi có trường hợp nặng, phải sử dụng các hệ thống hồi sức; điều 1 máy thở ECMO cho Đồng Nai để tỉnh sớm triển khai khu hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng với số lượng từ 10-20 giường và tăng lên 50 giường trong thời gian tới.
Kiểm soát chặt chẽ người di chuyển từ địa phương có dịch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao tinh thần cảnh giác và các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Đồng Nai trong thời gian qua, đồng thời đề nghị tỉnh phải tiếp tục tập trung ngăn chặn, không để dịch xâm nhập vào địa bàn.
Đồng Nai nằm sát TPHCM, có hơn nửa triệu công nhân trong khu công nghiệp, có bến cảng, giao thương lớn với Bình Dương,… nếu để dịch bệnh xâm nhập sẽ “cực kỳ khó khăn”, do đó, tỉnh phải kiểm soát chặt chẽ người đi từ TPHCM, Bình Dương sang Đồng Nai và ngược lại.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta kiểm soát chặt không phải là “ngăn sông cấm chợ”, mà cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát người di chuyển từ các địa phương có dịch, nhất là công nhân, lái xe chở hàng, lái xe đường dài, người đi áp tải hàng hoá… từ các địa phương có dịch đi ra phải khai báo y tế, lịch trình di chuyển… “Hàng ngày các đồng chí phải nắm được cụ thể số lượng người đi lại, vận chuyển hàng hoá qua lại địa bàn tỉnh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Tương tự, Đồng Nai cũng phải có giải pháp quản lý lịch trình di chuyển cụ thể của công nhân ở từng phân xưởng, nhà máy,... nhất là những người đang sinh sống ở địa phương khác.
Đồng Nai cần tham khảo kinh nghiệm của Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy có những trường hợp DN xuất hiện ca nhiễm thay vì cho công nhân nghỉ làm đồng loạt thì khẩn trương xác định, khoanh vùng ngay những khu vực phân xưởng, dây chuyền có nguy cơ cao, đồng thời vẫn duy trì hoạt động, giữ khoảng cách, bảo đảm an toàn… để quản lý tốt hơn, giữ an toàn cho công nhân cũng như cộng đồng.Tỉnh Đồng Nai cần tổ chức tập huấn, kết hợp kiểm tra, hướng dẫn các DN, khu công nghiệp chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch chủ động, tổ chức lại ca, kíp sản xuất gắn với nơi cư trú, kể cả việc bố trí tạm thời công nhân lưu trú lại trong nhà máy, khu công nghiệp.
Về xét nghiệm, Đồng Nai hết sức lưu ý phải có sự điều phối, chỉ đạo thống nhất, ứng dụng công nghệ thông tin ngay từ khâu lấy mẫu, xét nghiệm đến khớp nối kết quả bảo đảm nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
Ứng phó nhanh chóng, quyết liệt theo mức độ nguy cơ
Phó Thủ tướng lưu ý với biến chủng mới của virus, các biện pháp ứng phó phải rất nhanh chóng, quyết liệt, dứt khoát trên cơ sở phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch.
Trên tinh thần Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Đồng Nai cần bàn rất kỹ, tính toán các phương án tiếp cận, để khi xuất hiện ca nhiễm thì không bị động, không hốt hoảng, bình tĩnh căn cứ vào thực tiễn, quyết định khoanh thật gọn, thật chặt, thật nghiêm ngặt, tập trung toàn lực để dập dịch ngay từ đầu.
Trong tình huống ban đầu chưa thể xác định được chỗ hẹp thì tạm thời khoanh rộng nhưng sau đó khẩn cấp điều tra dịch tễ để khoanh gọn lại. Tuyệt đối tránh tình trạng ngoài thì phong toả chặt, nhưng bên trong lại “lùng nhùng”, không có đủ lực lượng để quản lý.
Trong quản lý hoạt động đi lại, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế họp với các địa phương để thống nhất cơ chế phối hợp, thống nhất các giải pháp cụ thể, đồng bộ, quản lý chặt chẽ người qua lại giữa các tỉnh trong khu vực, tránh để dịch bệnh lây lan giữa các địa bàn.
Về vaccine, Phó Thủ tướng cho biết, Trung ương đã và đang nỗ lực triển khai tất cả các giải pháp để bảo đảm nguồn vaccine phòng COVID-19, không chỉ riêng cho Đồng Nai hay một địa phương riêng lẻ nào mà chung cho cả nước. Vaccine về sẽ ưu tiên cho các khu vực sản xuất, để bảo vệ sản xuất kinh doanh, thực hiện “mục tiêu kép”.
Trần Mạnh
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Reborn Lift – Phương pháp trẻ hóa đa điểm giúp căn chỉnh gương mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng
Phương pháp Reborn Lift được nhiều chị em lựa chọn vì mang đến giải pháp trẻ hóa toàn diện, giúp điều chỉnh các đường nét khuôn mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng, tạo nên vẻ đẹp hài hòa và tự nhiên. Sử dụng công nghệ nâng cơ đa điểm tiên tiến, Reborn Lift không chỉ giúp làn da trở nên săn chắc mà còn hỗ trợ định hình cấu trúc khuôn mặt, duy trì sự cân đối và nét tươi trẻ lâu dài.November 23 at 6:06 pm -
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm