Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hạn chế tối đa các bệnh nhân tử vong do COVID-19

Sáng 18/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 họp bàn các giải pháp, để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam.
18/07/2021 14:59

Vấn đề Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đang rất quan tâm đó là những giải pháp hạn chế tối đa các bệnh nhân tử vong tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam.

Tại cuộc họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ tại TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ thành phố thành lập bệnh viện điều trị 1.000 giường, Bộ cũng đã cấp các máy thở chức năng cao cho Bệnh viện Chợ Rẫy để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng.

DDN_5475-1620643171488

Sáng 18/7/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay

Song song đó Bộ Y tế cũng thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này. Đáng chú ý là Bộ Y tế giao kho trang thiết bị này cho Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh và Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (hiện cũng là Giám đốc của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của TP Hồ Chí Minh) để có thể chủ động phân bổ trang thiết bị cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 và các địa phương trong khu vực.

Đồng thời, để chủ động nguồn cung cấp trang thiết bị, vật tư tiêu hao, trong đó có oxy, Lãnh đạo Bộ Y tế đã họp với các nhà sản xuất, cung ứng oxy để chuẩn bị các giải pháp cung ứng oxy trong thời gian tới khi dịch bệnh gia tăng.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh không để thiếu trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, sớm có giải pháp linh hoạt về cơ chế, tháo gỡ các vướng mắc, kịp thời cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, không để tình trạng các bệnh viện phải đi xin trang thiết bị, vật tư y tế.

Việt Nam sử dụng sinh phẩm chẩn đoán ở mức cao hơn nhiều, tăng thêm 10 triệu test

Cũng trong cuộc họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch, Bộ Y tế đã lên kế hoạch và chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn.

Empty

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long 

"Đợt dịch lần này, Việt Nam sử dụng sinh phẩm chẩn đoán ở mức cao hơn nhiều, tăng thêm 10 triệu test, so với đợt dịch trước là 2 triệu test. Với kinh nghiệm chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh vừa qua, lực lượng y tế có thể thực hiện gộp 3-5 với test nhanh cho kết quả tương đương khi làm gộp test PCR"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

Để đảm bảo trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế đã lên phương án đàm phán trực tiếp để mua test từ các nhà sản xuất nước ngoài và thúc đẩy sản xuất trong nước. Đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài Chính… đàm phán mua máy móc phục vụ điều trị và hồi sức cho bệnh nhân COVID-19.

"Dù vận động viện được trợ kit test, nhưng nhu cầu thực tế để chống dịch còn rất cao. Bộ Y tế đã lên phương án đàm phán trực tiếp để mua test và máy móc, thiết bị y tế từ các nhà sản xuất nước ngoài, đồng thời tăng cường sản xuất trong nước. Các sinh phẩm xét nghiệm sẽ ngay lập tức được chuyển về các vùng có dịch một cách công khai minh bạch"- Bộ Trưởng Thanh Long nói.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 29.081 ca mắc, tăng 8.904 ca so với tuần trước đó, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua khoảng 1.500 ca/ngày và có xu hướng gia tăng liên tục qua từng ngày. 

Tỉnh Bình Dương ghi nhận 2.580 ca mắc, tăng 315 ca so với tuần trước đó, trong 7 ngày gần đây số ca mắc trung bình khoảng 140 ca mắc/ngày. Số ca mắc vẫn ở mức cao, tăng ở các địa phương Thuận An, Dĩ An và có dấu hiệu lan ra các địa phương phía Bắc như Bàu Bàng, Dầu Tiếng.

Tỉnh Long An, ghi nhận 746 ca mắc, tăng 121 ca so với tuần trước đó. Có 29 chuỗi lây nhiễm trong đó 17 chuỗi cơ bản đã được kiểm soát, 12 chuỗi vẫn đang diễn biến. Trong 7 ngày gần đây, số ca mắc mới trong địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, có sự xuất hiện của các ổ dịch mới. Các ca bệnh ghi nhận chủ yếu là các trường hợp làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, các trường hợp F1 và nằm trong vùng phong tỏa.

Tỉnh Đồng Nai, ghi nhận 757 ca mắc, tăng 432 ca so với tuần trước đó. Có 9 chuỗi lây nhiễm, trong đó chuỗi lây nhiễm ghi nhận nhiều ca mắc nhất là chuỗi lây nhiễm liên quan đến TP. Hồ Chí Minh như: chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền.

Tỉnh Đồng Tháp, ghi nhận 1.255 ca mắc, tăng 218 ca so với tuần trước đó. Trong 7 ngày gần đây số lượng các ca mắc có xu hướng tăng. Các ca mắc ghi nhận chủ yếu liên quan đến ca bệnh được phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Các chùm ca bệnh tại tỉnh Đồng Tháp hiện nay đều đã xác định được nguồn lây.

Tỉnh Khánh Hòa, ghi nhận 467 ca mắc, tăng 128 ca so với tuần trước đó. Ghi nhận ca mắc tại 04 huyện/thành phố với 3 chuỗi lây nhiễm chính.

Tỉnh Tiền Giang, ghi nhận 762 ca mắc, tăng 258 ca so với tuần trước đó. Trong 7 ngày gần đây số ca mắc có xu hướng gia tăng và xuất hiện thêm các chuỗi lây nhiễm mới tại các nhà máy, chợ dân sinh. Các chuỗi lây nhiễm hầu hết chưa rõ nguồn lây và lây lan nhanh trong cộng đồng.

Từ 0h ngày 19/7, 19 tỉnh thành phía Nam sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Mạnh Vương

 

comment Bình luận

largeer