Phú Thọ tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

UBND tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản số 1014/UBND-NNTN về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
31/03/2023 11:38

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành, thị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nắm chắc tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, từ đó đề xuất kế hoạch triển khai phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả; đặc biệt là các khu vực đã từng có dịch bệnh, các khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện, không để dịch bệnh lây lan rộng.

Ảnh: Phutho.gov

Ảnh: Phutho.gov

Chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương các biện pháp phòng, chống xử lý dứt điểm bệnh Dại, đảm bảo hết năm 2023 tỉnh Phú Thọ không còn là tỉnh trọng điểm về bệnh Dại. Rà soát, đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi bắt buộc và tiêm phòng bổ sung theo quy định, nhất là các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi (như: bệnh Dại, cúm gia cầm, Viêm da nổi cục, lở mồm long móng…).

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng (Công an, Quản lý thị trường…) tăng cường công tác quản lý kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển, kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật…; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền sâu, rộng về nguy cơ phát sinh dịch bệnh; biện pháp phòng chống dịch bệnh; các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật,… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời, thành lập các tổ công tác kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, xây dựng cơ sở, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở các địa phương; kịp thời tổng hợp chính xác, đầy đủ tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

Sở Y tế tăng cường công tác giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1), sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chia sẻ thông tin, thực hiện các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền giữa người và động vật, nhất là đối với bệnh Cúm gia cầm, bệnh Dại.

Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ động vật, các sản phẩm từ động vật, đặc biệt tại cửa ngõ đường giao thông, các chợ, cơ sở giết mổ…; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, nhất là các trường hợp kinh doanh, vận chuyển gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ: Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền với hình thức phù hợp, hiệu quả về nguy cơ, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là đối với bệnh Cúm gia cầm và bệnh Dại. Phát huy lợi thế của truyền thanh cơ sở và mạng internet (như website và các ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo, youtube…) phổ biến các quy định của pháp luật về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh; khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành của người dân trong phòng, chống dịch bệnh.

UBND các huyện, thành, thị: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thú y cấp huyện, cấp xã; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi mới phát sinh. Các địa phương có các trường hợp chó mắc bệnh Dại chưa qua 21 ngày, tập trung chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; triển khai tiêm phòng vắc-xin cho 100% chó, mèo thuộc diện tiêm phòng tại các xã có dịch để cắt nguồn lây lan dịch bệnh.

 Rà soát, thống kê đầy đủ đàn vật nuôi, chỉ đạo thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi đợt I năm 2023, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tại thời diểm tiêm; chủ động bố trí kinh phí triển khai công tác tiêm phòng và ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, qua nhiều kênh thông tin (nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở, tuyên truyền lưu động, mạng xã hội,…) về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh theo quy định.

Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức, đoàn thể: Tăng cường tuyên truyền vận động các đoàn viên, hội viên, cộng đồng dân cư thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là đối với bệnh Dại, cúm gia cầm. Giám sát, đấu tranh các hành vi vi phạm; đồng thời, triển khai và nhân rộng các mô hình xã hội hóa có hiệu quả thiết thực trong thực tiễn.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer