PpNhân viên y tế Mỹ từ chối tiêm vắc-xin COVID-19

Đội ngũ nhân viên y tế là một trong những đối tượng đầu tiên thuộc danh sách ưu tiên được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Thế nhưng, đang xảy ra hiện tượng một số lượng lớn những “chiến sĩ mặc áo blouse trắng” ở khắp các bang trên nước Mỹ lại từ chối “đặc quyền” này.
03/01/2021 06:55

Phần lớn nhân viên y tế từ chối tiêm vắc-xin

Mới đây, Thống đốc bang Ohio Mike DeWine đã tiết lộ rằng, khoảng 60% nhân viên y tế làm việc trong hệ thống các nhà dưỡng lão thuộc bang Ohio đã nói “Không” với việc tiêm vắc-xin do chính quyền bang này triển khai.

Một cuộc khảo sát thực hiện hồi tháng 11/2020 cho thấy, có hơn 1/2 số nhân viên y tế làm việc cho cơ quan Dịch vụ Y tế khẩn cấp thuộc bang New York bày tỏ sự lo lắng về việc tiêm vắc-xin. Và giờ đây thì một tỷ lệ cao đến đáng ngại các nhân viên y tế tại California và Texas cũng từ chối việc được tiêm vào cơ thể mình những liều vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2 đầu tiên được ưu tiên phân phối cho hệ thống y tế nước Mỹ.

Cụ thể, nhiều y bác sĩ ở các bệnh viện địa phương như Bệnh viện Cộng đồng St. Elizabeth (California) và Trung tâm Y tế Houston Memorial (Texas) bày tỏ thái độ không sẵn sàng cho việc tiêm vắc-xin.

Kết quả các cuộc khảo sát và thăm dò ý kiến cho thấy, một trong những lý do khiến phần lớn nhân viên y tế không đồng ý tiêm vắc-xin là họ không được yên tâm khi cảm thấy quá trình phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 có sự ảnh hưởng của yếu tố chính trị trong đó.

y te

Một nữ y tá đang chuẩn bị mũi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer để tiêm cho đồng nghiệp của mình - Ảnh: Eva Marie Uzcategui/Bloomberg/Getty Images

Các nhà khoa học ngạc nhiên

Tình trạng “ghẻ lạnh” với việc tiêm vắc-xin trong đội ngũ nhân viên y tế trên toàn nước Mỹ khiến các nhà khoa học và đội ngũ nghiên cứu phát triển vắc-xin ngạc nhiên, bởi trong suy nghĩ của họ, đây chính là lực lượng “tinh hoa” trong lĩnh vực y tế, và là những người luôn tin tưởng vào các sản phẩm được tạo ra qua quá trình phân tích dữ kiện và bằng chứng khoa học.

Theo đó, bằng chứng khoa học về tính an toàn và hiệu quả của các liều vắc-xin là đã rõ thông qua quá trình tiêm thử nghiệm trên hàng chục ngàn tình nguyện viên tham gia, trong đó có cả những người già và những bệnh nhân có các bệnh lý nền.

April Lu, một nữ y tá 31 tuổi làm việc tại Trung tâm Y tế Providence Holy Cross cho biết, cô từ chối tiêm vắc-xin bởi vì cảm thấy không an toàn khi mình đang mang thai.

“Chẳng khác gì tôi đang trong canh bạc và phải lựa chọn những rủi ro: Rủi ro của việc mắc COVID-19 nếu không tiêm vắc-xin, hoặc rủi ro bí ẩn nào đó đến từ chính những mũi tiêm ngừa COVID-19”, cô Lu giải thích. “Và sau khi suy tính, tôi đã lựa chọn rủi ro của việc không tiêm vắc-xin. Tôi thà tự mình phòng tránh nguy cơ mắc virus bằng cách đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để cảm thấy yên tâm hơn”.

Theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew thì khoảng 2 trong 10 người dân Mỹ khẳng định họ sẽ không tiêm vắc-xin. Có tới 62% người dân được khảo sát cho biết, họ không cảm thấy thoải mái để trở thành những người đầu tiên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Một cuộc khảo sát khác trong tháng 12/2020 với 2.053 lính cứu hỏa ở thành phố New York cho kết quả hơn 50% trong số họ sẵn sàng từ chối việc tiêm vắc-xin khi các mũi vắc-xin ngừa COVID-19 được cung cấp đại trà cho mọi người dân.

“Thật sự thất vọng”, bà Sal Rosselli, Chủ tịch Liên đoàn Nhân viên Y tế Quốc gia bày tỏ. “Hãy tin vào những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền liên bang trong suốt hơn 10 tháng vừa qua. Hãy tin vào khoa học. Đây là khoa học”.

Mất 10 năm để nước Mỹ tiêm xong vắc-xin cho toàn bộ người dân

Hệ lụy sẽ trở nên rất nghiêm trọng nếu quá ít người được tiêm vắc-xin: Đại dịch sẽ vẫn tiếp tục hoành hoành, số người mắc bệnh, tử vong vì COVID-19 sẽ ngày càng tăng cao gây áp lực trực tiếp lên hệ thống y tế vốn đang trong tình trạng quá tải và sẵn sàng “vỡ trận” bất cứ lúc nào dẫn đến sự sụp đổ của cả xã hội.

“Chỉ khi nào càng nhiều người dân chịu tiêm vắc-xin thì xã hội của chúng ta mới có cơ hội quay trở lại mức vận hành cần thiết để duy trì sự phát triển bình thường trước đó”, nhà dịch tễ học Marc Lipsitch đến từ Đại học Harvard khẳng định.

Theo thống kê, đã có khoảng 2,6 triệu người dân Mỹ - phần lớn là những người đứng ở tuyến đầu chống dịch như nhân viên y tế tại các bệnh viện và nhân viên chăm sóc người già tại các viện dưỡng lão - đã đón nhận những mũi tiêm đầu tiên vào cơ thể trong số 14 triệu liều vắc-xin đã được cấp phép vào tháng 12/2020.

Các chuyên gia nhận định rằng, với tốc độ và tỷ lệ tiêm vắc-xin như hiện nay thì nước Mỹ sẽ phải mất khoảng 10 năm mới có thể tiêm xong vắc-xin cho tất cả người dân Mỹ. Và chỉ đến lúc đó thì đại dịch mới có thể cơ bản được khống chế.

Theo Phunuonline

comment Bình luận

largeer