Quá rảnh rỗi cũng không tốt cho sức khỏe

Các nhà khoa học Mỹ mới đây đã phát hiện việc quá nhàn rỗi cũng không mang lại cảm giác khỏe mạnh và hạnh phúc, tương tự như khi quá bận rộn.
20/07/2022 15:22

Trong nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu của hơn 21.700 người từng tham gia vào Khảo sát về việc sử dụng thời gian của người Mỹ trong giai đoạn 2012-2013. Các đối tượng cung cấp thông tin chi tiết về những hoạt động họ làm trong 24 giờ trước đó, bao gồm thời điểm thực hiện và thời lượng dành cho mỗi hoạt động trong ngày. Song song đó, người tham gia cũng ghi nhận mức độ cảm thấy khỏe mạnh và hạnh phúc của họ tương ứng với khoảng thời gian rảnh rỗi. Kết quả phân tích cuối cùng cho thấy tuy mức độ rảnh rỗi nhiều hơn có liên quan đáng kể với mức độ khỏe mạnh và hạnh phúc cao hơn, nhưng chỉ ở một thời lượng nhất định, còn nếu nhiều hơn mức này thì việc quá rảnh rỗi cũng không giúp người tham gia thấy hạnh phúc hơn. Cụ thể, nhóm nghiên cứu phát hiện mức độ hạnh phúc của người tham gia đã tăng lên khi thời gian rảnh của họ dài hơn 2 tiếng, nhưng lại giảm sau khi họ có hơn 5 tiếng “ngồi không”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ðể tìm hiểu hiện tượng này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thêm 2 thử nghiệm trực tuyến với hơn 6.000 người tham gia. Ở thử nghiệm đầu tiên, những người tham gia được yêu cầu tưởng tượng họ có một khoảng thời gian rảnh rỗi tùy ý trong ngày, với 3 mức độ khác nhau gồm: “Thấp” (15 phút/ngày), “vừa phải” (3,5 giờ/ngày) hoặc “cao” (7 giờ/ngày). Họ cũng ghi nhận mức độ thích thú, hạnh phúc và hài lòng của bản thân trong khoảng thời gian đó. Các chuyên gia nhận thấy cả hai nhóm có thời gian rảnh ở mức độ “thấp” và “cao” đều có cảm giác khỏe mạnh và hạnh phúc thấp hơn nhóm có thời gian rảnh “vừa phải”.

Ở thử nghiệm thứ hai, những người tham gia cũng được yêu cầu tưởng tượng họ có lượng thời gian rảnh “vừa phải” hoặc “cao” mỗi ngày và dành khoảng thời gian đó để thực hiện những hoạt động hữu ích và có ý nghĩa (như tập thể dục, thực hiện sở thích) hoặc các hoạt động không hữu ích (như “giết thời gian” bằng cách xem tivi). Tương tự, các chuyên gia nhận thấy nhóm rảnh rỗi “cao” có mức độ hạnh phúc thấp hơn do tham gia vào các hoạt động không hữu ích. Tuy nhiên, khi tham gia vào các hoạt động hữu ích, nhóm này cũng thấy khỏe mạnh và hạnh phúc giống như nhóm rảnh rỗi “vừa phải”.

Theo Study Finds

comment Bình luận

largeer