Quan tài chất đống trong những nhà tang lễ ở Đông Đức

Quan tài chất đống tại lò hỏa táng thành phố Meissen, bang Sachsen, Đức. Khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, làm phức tạp hóa nỗ lực kiểm soát Covid-19 của chính quyền Thủ tướng Angela Merkel.
20/01/2021 10:24

"Thật đau lòng", Joerg Schaldach, quản lý của một nhà tang lễ, nơi tiếp nhận tới 1.400 thi thể vào tháng 12/2020, nói. Con số này gấp đôi tháng 12/2019. Hơn một nửa trong đó chết vì Covid-19. Ông dự kiến sẽ có khoảng 1.700 thi thể trong tháng này.

Schaldach cho biết thêm: "Mọi người qua đời một mình trong bệnh viện mà không có gia đình bên cạnh. Thân quyến được gọi báo một câu ‘đã hỏa táng’. Không thể tạm biệt bên cạnh quan tài, tất cả những gì họ nhận được là một hũ tro cốt".

quan tai

Quan tài trong lò hỏa táng ở Meissen, Đức, hôm 15/1. Ảnh: Reuters.

Giống với nhiều khu vực phía đông Đức, làn sóng Covid-19 đầu tiên ở bang Sachsen, nơi đảng Cực hữu (AfD) chiếm ưu thế, tương đối nhẹ nhàng. Song đến nay, tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày tại đây cao thứ hai toàn quốc, gần gấp đôi với mức trung bình (136 ca nhiễm trên 100.000 người).

"Nếu chính quyền Sachsen hành động sớm hơn, chúng ta đã có thể kiểm soát được đại dịch. Song giờ đây nó là vấn để cấp quốc gia. Thi thể chất đống ở Meissen là liều thuốc cho sự ngu dốt", Frank Richter, nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Xã hội, lên tiếng.

Song Detlev Spangenberg, nhà lập pháp đảng AfD cho rằng không nên có thái độ đổ lỗi. "Chúng tôi đã phong tỏa từ tháng 11/2020 và số ca nhiễm không giảm xuống. Nó chẳng liên quan gì đến AfD. Chúng tôi chỉ nói rằng tác hại của việc đóng cửa nhiều hơn lợi ích", ông nhận định.

Thống đốc của cả bang Sachsen và Thuringia hồi tháng 9/2020 đã phản đối nỗ lực kéo dài giãn cách xã hội, ngăn lừa làn sóng Covid-19 thứ hai của bà Merkel. Đến gần đây họ mới thừa nhận mình mắc sai lầm trong các phán quyết.

Trên những con phố vắng vẻ của Meissen, người dân có cách giải thích khác nhau về sự gia tăng của các ca nhiễm nCoV. Thái độ từ tự mãn ngây thơ đến hoài nghi.

Jenna Schmidt, nữ phục vụ 27 tuổi, cho biết: "Nghe có vẻ lạ, nhưng tôi nhận thấy người trẻ tuân thủ quy tắc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tốt hơn người già. Khi số ca nhiễm bắt đầu tăng vào hồi tháng 10, nhiều người cao tuổi nói ‘Ôi tôi già rồi, đằng nào chẳng chết sớm’. Chính thái độ đó dẫn đến tình trạng này".

Tại nhà tang lễ, nhân viên làm việc suốt ngày đêm để dỡ những quan tài có gắn tên tuổi, ngày sinh, năm mất của người quá cố. Hầu hết họ đều trên 60 tuổi. Một số sống trong các trại dưỡng lão.

Roswitha Zeidler, nhân viên khách sạn, chia sẻ: "Rất nhiều người hoảng loạn và sợ hãi. Người già chết suốt. Tôi phát ốm và mệt mỏi với lệnh hạn chế và sự phỏng đoán. Tôi chỉ muốn sống bình thường trở lại".

Bà Merkel và các nhà lãnh đạo tổ chức một cuộc thảo luận ngày 19/1 về việc liệu có cần thêm biện pháp hạn chế hay không. Lệnh giãn cách của Đức sẽ kết thúc ngày 31/1 tới. Ute Czeschka, ủy viên hội đồng thành phố Meissen, cho biết yếu tố khác khiến số ca nhiễm ở đông Đức tăng là đường biên giới gần với Cộng hòa Czech và Ba Lan, hai điểm nóng dịch bệnh của thế giới.

Czeschka cho biết: "Nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe và bác sĩ đến từ những vùng dịch lớn như Cộng hòa Czech. Nhưng lý do chính khiến chúng tôi chịu tình cảnh này là nhiều người không tin vào virus. Cho đến gần đây thì họ tin rồi".

Theo ông Frank Richter, việc nhiều nhà lãnh đạo đảng AfD xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống khẩu trang và phong tỏa khiến những người ủng hộ phớt lờ quy tắc vệ sinh, quy định giãn cách xã hội và có thái độ nghi ngờ virus.

Ông nói thêm: "Chiến đấu với đại dịch giống như cố gắng đấu một trận bóng đá. Bạn không thể về nhất nếu cầu thủ cứ phản lưới nhà".

Một nghiên cứu của Viện Forsa cho thấy chỉ 19% những người ủng hộ đảng AfD cho rằng báo cáo của chính phủ liên bang về đại dịch là đáng tin cậy. Dưới 30% nam giới tuân thủ quy tắc về giãn cách và an toàn vệ sinh, con số quá thấp so với mức 65% toàn quốc. Tính đến ngày 19/1, Đức ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm nCoV và 48.105 người tử vong.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer