Quảng Bình tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm

UBND tỉnh Quảng Bình có công văn số 133/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
08/02/2023 15:06

Theo đó, các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố, thị xã quản lý có hiệu quả cơ sở giết mổ động vật nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn môi trường, an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe Nhân dân; tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hành tốt biện pháp bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở, dây chuyền giết mổ động vật theo hướng hiện đại; có chính sách nâng cấp cơ sở giết mổ được sắp xếp trong mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch đảm bảo có kiểm soát thú y, không để lây lan dịch bệnh, bảo đảm môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng lộ trình đưa cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát của chính quyền địa phương và cơ quan thú y, có giải pháp quyết liệt để quản lý, kiểm tra việc thực hiện; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý kiểm soát giết mổ và quy trình kiểm soát giết mổ (KSGM) của nhân viên thú y được giao nhiệm vụ tại cơ sở giết mổ.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật; giải quyết kịp thời sự cố mất an toàn thực phẩm; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và cơ quan, nhân viên thú y thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đối với cơ sở giết mổ động vật; cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý KSGM động vật, sản phẩm động vật; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật Nhà nước, pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Mặt khác, Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường. Sở Y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm các loại bệnh lây từ động vật sang người, bệnh truyền qua thực phẩm có nguồn gốc động vật, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân. Các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Sở Tài chính tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, văn bản hướng dẫn Luật và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, Ủy ban MTTQVN tỉnh chủ động tham gia cùng chính quyền các cấp, ngành liên quan trong công tác quản lý thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer