Quảng Bình vượt mốc 2.000 ca mắc sốt xuất huyết

Sáng ngày 8/9, tỉnh Quảng Bình ghi nhận 90 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), cao nhất trong ngày kể từ đầu năm đến nay, nâng tổng số ca mắc SXH toàn tỉnh lên 2.088 ca.
08/09/2022 15:14

Cụ thể, 90 ca mắc mới trong sáng nay tập trung nhiều nhất ở TP. Đồng Hới 24 ca (gồm các ổ dịch: Nghĩa Ninh 7 ca, Bắc Lý 5 ca, Đồng Phú 4 ca, Nam Lý 3 ca và Bảo Ninh, Đồng Hải, Đồng Sơn, Đức Ninh, Bắc Nghĩa ghi nhận mỗi nơi 1 ca); Huyện Lệ Thủy 22 ca (tập trung ở các ổ dịch: Cam Thủy, Hồng Thủy, Thanh Thủy, Sơn Thủy…); Các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch mỗi địa phương ghi nhận 12 ca mắc SXH; TX. Ba Đồn 6 ca, Tuyên Hóa 2 ca; Minh Hóa là địa phương duy nhất không ghi nhận ca mắc SXH trong ngày. 

Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2022, Quảng Bình đã phát hiện 1.698 trường hợp mắc SXH tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố, tăng 1.247,6% so với cùng kỳ năm 2021 (chỉ ghi nhận 126 ca).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Số ca mắc SXH cao nhất ở huyện Lệ Thủy và Bố Trạch. Không có trường hợp XSH nặng và tử vong do SXH. Trong 1.698 ca mắc SXH được phát hiện thì có 484 ca (chiếm 28,5%) trong độ tuổi 5-15 tuổi. Tại khu vực Bắc Trung bộ, Quảng Bình là tỉnh có số ca mắc SXH cao nhất.

Theo Giám đốc CDC Quảng Bình: Tình hình SXH trong 8 tháng đầu năm 2022 tại các địa phương trong tỉnh có sự gia tăng rõ rệt so với cùng kỳ năm 2021. Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Đồng Hới là các địa phương có số ca SXH được phát hiện cao hơn trung bình 5 năm (2017-2021). Đây đều là các địa phương có mật độ dân cư cao và hàng năm thường xuyên xảy ra lũ lụt. Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Ba Đồn là các huyện có số ca SXH được phát hiện thấp hơn trung bình 5 năm (2017-2021). 

Có thể thấy, SXH trong 8 tháng đầu năm 2022 bắt đầu có dấu hiệu tăng dần từ tháng 5 (35 ca), tháng 6 (287 ca) đến tháng 7-8 và nhất là trong tuần đầu tháng 9 này số ca SXH tiếp tục tăng cao và đã vượt số ca mắc trung bình 5 năm (2017-2021). Đặc biệt, xu hướng này khác với tình hình SXH các năm trước đây khi số ca SXH bắt đầu giảm dần khi qua tháng 7. Theo dự báo, tình hình SXH tại tỉnh ta sẽ tiếp tục tăng số ca mắc trong tháng 9 và đạt đỉnh vào tháng 10/2022 sau đó giảm dần vào 2 tháng cuối năm.

Vì vậy, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục giám sát hoạt động phòng, chống SXH tại các vùng trọng điểm và vùng đang xảy ra ổ dịch của các huyện, thị xã, thành phố; điều tra giám sát véc tơ tại 8 xã trọng điểm: Cảnh Dương (Quảng Trạch), Quảng Thuận (TX. Ba Đồn), Đức Trạch, Hoàn Lão (Bố Trạch), Bắc Lý, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Tân Ninh (Quảng Ninh) và Lộc Thủy (Lệ Thủy).  

Đồng thời, giám sát và chỉ đạo phun hóa chất xử lý ổ dịch tại tuyến dưới khi cần thiết; giám sát véc tơ tại các xã có ổ dịch cũ có ca bệnh tăng cao đột ngột và ổ dịch mới; điều tra, giám sát phun hóa chất diệt muỗi chủ động, xử lý dịch tại các xã trọng điểm có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng cảnh báo và các xã xuất hiện ca bệnh; triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phối hợp với chính quyền địa phương huy động sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh SXH.

Cùng đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế cơ sở tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng, kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh. Các bệnh viện tuyến huyện sẵn sàng tổ chức thu dung, điều trị người bệnh an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH; bảo đảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, nhân lực cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc, điều trị và phòng, chống SXH trên địa bàn.

Theo Báo Quảng Bình

comment Bình luận

largeer