Quảng Ngãi lên phương án điều trị từ 1.500- 2.000 F0 khi phát hiện số ca bệnh tăng cao

Việc nới lỏng các biện pháp giãn cách, từng bước đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới, dẫn đến khó kiểm soát hết những người mang mầm bệnh cùng một số vấn đề khác được cho là nguyên nhân làm số ca F0 tại Quảng Ngãi tăng cao.
27/11/2021 11:44

Số ca F0 tiếp tục tăng cao

Sáng 27/11, Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin, tiếp tục ghi nhận thêm 54 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại tỉnh này từ 26/6 đến nay là 2.635 ca. Trước đó, vào ngày hôm qua, Quảng Ngãi công bố 80 ca mắc COVID-19 chỉ trong vòng 24 giờ (từ 15 giờ ngày 25/11 đến 15 giờ ngày 26/11).

77

Số ca F0 tại Quảng Ngãi tiếp tục tăng cao so với thời điểm 2 tuần trước đó

Hiện Quảng Ngãi có 804.199 người được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19, đạt tỷ lệ 91% số người từ 18 tuổi trở lên; 397.102 người được tiêm mũi 2 ngừa COVID-19, đạt tỷ lệ 44,9% số người từ 18 tuổi trở lên.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 5 cơ sở điều trị F0 với tổng công suất 1.000 giường bệnh, trong đó, 80% giường bệnh điều trị cho bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Ngành y tế đã chuẩn bị sẵn kịch bản trưng dụng 50% giường bệnh ở Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố để làm nơi điều trị F0 phòng trường hợp số ca bệnh tăng cao.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong nửa tháng qua, tỉnh kiểm soát chưa tốt dịch COVID-19 nên số lượng F0, nhất là ca bệnh cộng đồng tăng cao. Nhiều địa phương vùng xanh đã chuyển màu vì có F0. Nhiều nhân viên y tế mắc bệnh, làm ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của đội ngũ y tế nói chung.

Nguyên nhân của tình trạng số ca mắc COVID-19 tăng cao được cho là việc thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách, từng bước đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới, dẫn đến khó kiểm soát hết những người mang mầm bệnh; trong khi đó, việc quản lý cách ly tại nhà không nghiêm túc, một số trường hợp khai báo y tế không trung thực gây khó khăn trong truy vết, công tác kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ, thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm, một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan…

Phủ vaccine để giảm áp lực điều trị

Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ngay từ cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân, hộ gia đình, xóm, thôn, tổ dân phố và chính quyền cơ sở trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; chỉ đạo toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị nghiêm túc, gương mẫu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

76

 Quang cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ngãi

Chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các địa phương rà soát đối tượng trên 18 tuổi chưa được tiêm vaccine để tiêm sớm cho người dân, không bỏ sót đối tượng đủ điều kiện nhưng chưa được tiêm, bảo đảm tỷ lệ bao phủ vaccine theo yêu cầu. Tiến hành tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi khi có nguồn, trong đó ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch. Việc tổ chức tiêm phải bảo đảm an toàn, khoa học; xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3 cho người đã tiêm đủ 2 mũi.

Đồng thời, ngành Y tế chủ động xây dựng phương án điều trị F0 của tỉnh khoảng từ 1.500 -  2.000 người; tổ chức các trạm y tế lưu động để kịp thời điều trị, chăm sóc sức khỏe cho những người nhiễm bệnh, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

76

 Điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ở Quảng Ngãi

Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý cư trú, di chuyển dân cư, quản lý tốt người ra vào địa bàn tỉnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ chỉ được mở cửa trở lại khi bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch; yêu cầu các cơ sở phải có mã QR code phục vụ cho việc quét mã, khai báo y tế.

Quảng Ngãi xác định chuyển hướng quản lý, phòng, chống dịch phải xuất phát từ cơ sở. Người đứng đầu chính quyền ở cơ sở phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch ở địa phương. Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn xử phạt hành chính các vi phạm liên quan tới công tác phòng, chống dịch, nhất là khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại từ ngày 1/12 tới…

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bên cạnh việc tuyên truyền các biện pháp về phòng, chống dịch, cần tuyên truyền định hướng, giáo dục ý thức chấp hành quy định về phòng, chống dịch. Khẩn trương xây dựng quy định hướng dẫn cụ thể việc xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan xem xét từ năm 2022 trở đi có thể tổ chức cho người dân tiêm vaccine theo hình thức tự nguyện, dịch vụ để giảm nguồn chi từ ngân sách Nhà nước.

Theo KTĐT

comment Bình luận

largeer