Quảng Ninh đẩy mạnh phòng ngừa, xử lý người chưa thành niên phạm tội

Thời gian qua, để ngăn chặn tội phạm nói chung và tội phạm do người chưa thành niên thực hiện nói riêng, các cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật, kết hợp xử lý nghiêm những vi phạm, nhằm nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.
31/03/2022 10:16

Ngày 24/11/2021, TAND TP Uông Bí đã đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án “Gây rối trật tự công cộng” do 18 bị cáo trên địa bàn TX Quảng Yên, TP Uông Bí thực hiện. Điều đáng nói, trong vụ án này phần lớn các bị cáo đều là người chưa thành niên. Tình hình người chưa thành niên phạm tội hiện nay diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Các tội phạm thực hiện dưới dạng đồng phạm và có tính chất bạo lực ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi hơn, độ liều lĩnh cao hơn, gắn với các hành vi liên quan đến ma túy và tệ nạn xã hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Được biết, năm 2020, toàn tỉnh có 73 đối tượng là người chưa thành niên bị khởi tố và năm 2021 là 138 đối tượng. Cũng liên quan đến nhóm đối tượng này, chỉ tính năm 2021, tòa án đã thụ lý 31 vụ/61 bị cáo; giải quyết 29 vụ/57 bị cáo; trong đó 2 trường hợp tù từ trên 7 năm đến 15 năm, 9 trường hợp phạt tù từ trên 3 đến 7 năm, 10 trường hợp phạt tù từ 3 năm trở xuống, còn lại phạt án treo, cải tạo không giam giữ, giáo dục tại trường giáo dưỡng...

Theo cơ quan chức năng, do đặc điểm phát triển về tâm sinh lý của lứa tuổi vị thành niên là nhân cách chưa hoàn chỉnh, nông nổi, dễ bị kích động, khó kiềm chế, hiểu biết pháp luật chưa sâu sắc, chưa toàn diện nên một bộ phận thanh thiếu niên sống buông thả, đua đòi dẫn đến thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt trong môi trường mạng xã hội phát triển mãnh mẽ hiện nay, nhóm đối tượng này rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ thực hiện các hành vi vi phạm. Thực tế cho thấy nhiều hội nhóm trên mạng xã hội chứa nhiều thông tin xấu, độc, kích động bạo lực.

Để phòng ngừa có hiệu quả loại tội phạm này cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, nhà trường và phụ huynh trong việc giáo dục, định hướng nhân cách cho các thanh thiếu niên. Ngoài ra, việc thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường giúp học sinh có lối sống lành mạnh, không vi phạm pháp luật. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần chủ động hướng dẫn, định hướng cho con em mình tiếp xúc với những thông tin lành mạnh, có sự giám sát chặt chẽ trong việc tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội.

Theo Báo Quảng Ninh

comment Bình luận

largeer