Quảng Ninh: Hiệu quả trong xử lý rác thải sinh hoạt

Xử lý rác thải sinh hoạt luôn là bài toán khó đối với các địa phương và cơ quan chức năng. Nếu không thực hiện tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân. Bởi vậy, những năm qua việc quy hoạch các quỹ đất và xã hội hóa, thu hút đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn hiện đại đã được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm.
31/03/2022 14:52
11

Công nhân vận hành hệ thống xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác Tràng Lương (TX Đông Triều) của Công ty TNHH Viễn Đông

Mỗi ngày, trên địa bàn TX Đông Triều thải ra khoảng 150 tấn rác sinh hoạt. Toàn bộ lượng rác thải trước đây được thu gom, xử lý chôn lấp tại bãi rác moong vỉa 9 - Cánh Bắc (Công ty Than Mạo Khê). Mặc dù đã thực hiện đúng các quy trình, tuy nhiên phương pháp chôn lấp đã gây phát tán mùi, ô nhiễm không khí khu vực xung quanh. Thêm vào đó, lượng rác thải chôn lấp ngày một nhiều, dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm nguồn nước ngầm. Thực trạng này đã gây những lo lắng cho người dân và cấp ủy, chính quyền nơi đây.

Được tỉnh và TX Đông Triều kêu gọi thu hút đầu tư, cuối năm 2016, Công ty TNHH Viễn Đông đã khảo sát, nghiên cứu và lên phương án xây dựng nhà máy xử lý rác tại thôn Trung Lương, xã Tràng Lương, với tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng. Quy mô nhà máy rộng trên 16,7ha, thiết kế 2 dây chuyền công nghệ đốt rác, mỗi dây chuyền đốt 100 tấn/ngày đêm. Các hạng mục chính của nhà máy gồm: Khu nhà tiếp nhận rác, máy sấy rác, toa chờ đốt, lò đốt kín, hệ thống thu gom nước rỉ rác, trạm xử lý nước thải và bãi chôn lấp tro xỉ.

Ông Nguyễn Đình Cường, Giám đốc Nhà máy xử lý rác Tràng Lương (Công ty TNHH Viễn Đông) cho biết: Đến giữa năm 2021, nhà máy đã thử nghiệm đốt rác thành công và chính thức đi vào hoạt động, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Hiện nhà máy tiếp nhận khoảng 150 tấn rác của toàn bộ TX Đông Triều để xử lý, chấm dứt việc chôn lấp rác thải, đảm bảo môi trường trên địa bàn. Nước rỉ rác đều qua hệ thống xử lý đảm bảo quy chuẩn mới thải ra môi trường. Từ nay đến tháng 7/2022, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đầu tư thêm 1 dây chuyền và lò đốt nữa, với công suất xử lý từ 120-150 tấn/ngày đêm, để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trong tương lai khi TX Đông Triều trở thành thành phố.

Còn tại Cô Tô, trước đây việc xử lý rác thải trên đảo cũng gặp nhiều khó khăn do lò đốt rác trên địa bàn huyện sử dụng công nghệ cũ, vận hành không hiệu quả, chi phí lớn. Hầu như rác thải được xử lý theo phương pháp chôn lấp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển đảo. Trước thực tế trên, huyện Cô Tô đã vận động nhân dân thực hiện đồng thời 2 đề án: “Phân loại rác thải tại nguồn” và “Hạn chế sử dụng túi nilon”. Theo đó, rác thải hữu cơ sẽ được thu gom để ủ phân vi sinh, các loại rác vô cơ sẽ được phân loại và tái chế một phần, điều này đã góp phần giảm bớt lượng rác thải ra môi trường.

Ông Lê Bảo Đức, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị huyện Cô Tô, chia sẻ: Từ tháng 7/2020, huyện đã đầu tư hệ thống lò đốt rác mới với công nghệ áp suất âm, công suất thiết kế 750kg/giờ. Qua đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt, xử lý được khoảng 70% lượng rác thải phát sinh trong ngày, cơ bản đáp ứng được tiêu chí môi trường và kinh tế. Hiện nay, công ty đang lên kế hoạch chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng Khu xử lý rác thải rắn, đảm bảo việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Theo Sở Xây dựng, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh đều đã từng bước vào nền nếp; qua đó, chất lượng môi trường được cải thiện rõ rệt.

10

Xử lý rác tại Nhà máy xử lý chất thải rắn thôn Khe Giang (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Việt Long

Tuy nhiên, với quá trình đô thị hóa và phát triển dân cư như hiện nay, lượng rác thải liên tục tăng lên. Do đó, vấn đề xử lý rác thải một cách hiệu quả vẫn luôn là bài toán đặt ra đối với nhiều địa phương. Theo thống kê, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.250 tấn/ngày. Trong đó có tới 70% vẫn chỉ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 26% được xử lý bằng công nghệ đốt; còn lại chỉ có 4% được xử lý bằng phương pháp tái chế, thu hồi và chế biến thành phân bón hữu cơ. Qua số liệu trên cho thấy, tỷ lệ xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở con số cao; việc phân loại rác thải tại nguồn và tái chế rác thải vẫn chưa được nhiều.

Một khó khăn nữa đang đặt ra là Trung tâm Xử lý chất thải rắn do Công ty CP Tập đoàn Indevco đầu tư để phục vụ xử lý rác thải tại 2 đô thị lớn nhất tỉnh là Hạ Long và Cẩm Phả vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, vì vậy việc xử lý rác thải của 2 địa phương này vẫn theo phương án chôn lấp, thiếu tính chủ động.

Ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết: Với quan điểm quản lý chất thải rắn là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển đô thị bền vững, hiện nay Quảng Ninh đang tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư các dự án xử lý rác theo hướng hiện đại, liên vùng; phấn đấu đến năm 2030, 100% các loại chất thải rắn phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc chôn lấp. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, hạn chế sử dụng túi li nông và chai nhựa; tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào phân loại, tái chế rác thải tại nguồn, vệ sinh khu dân cư. Qua đó, góp phần xây dựng đô thị văn minh, ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp.

Theo Báo Quảng Ninh

comment Bình luận

largeer