Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét Việt Nam họp phiên toàn thể đầu tiên nhiệm kỳ 2024-2026
Cuộc họp có sự tham dự đông đủ các thành viên CCM và đại diện của các Cơ quan Chính phủ, các đối tác phát triển, Tổ chức xã hội/cộng đồng, các Uỷ ban, Tiểu ban kỹ thuật của CCM, đại diện Lãnh đạo Sở Y tế, Lãnh đạo các dự án Quỹ Toàn cầu tại địa phương của 63 tỉnh/thành phố…
Ban Điều phối quốc gia Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt Rét (CCM) Việt Nam tổ chức cuộc họp toàn thể đầu tiên của nhiệm kỳ 2024-2026
Trong nhiệm kỳ 2024-2026 của CCM, PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế là Chủ tịch CCM; TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam là Phó Chủ tịch; ông Nguyễn Anh Phong, mạng lưới Người sống chung với HIV tại Việt Nam (VNP+) là Phó Chủ tịch CCM.
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch CCM phát biểu tại cuộc họp
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Chủ tịch CCM cho biết, CCM đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa Quỹ Toàn cầu và các đơn vị nhận tài trợ chính (các Dự án) và các đối tượng thụ hưởng chương trình tại Việt Nam. CCM sẽ triển khai các hoạt động giám sát và bảo đảm rằng các đơn vị nhận tài trợ thực hiện các chương trình đúng theo kế hoạch và đạt được các mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, CCM sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn viện trợ của Quỹ Toàn cầu, bảo đảm rằng các dự án không chỉ đạt được kết quả mong đợi mà còn đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống các bệnh HIV, Lao và Sốt rét tại Việt Nam. CCM sẽ hoạt động hiệu quả với sự tham gia tích cực của các thành viên, bởi mỗi người đều có thế mạnh và tiếng nói quan trọng trong CCM. Sự tham gia tích cực của các thành viên CCM sẽ góp phần vào thành công của các chương trình phòng, chống 3 bệnh HIV, Lao và Sốt rét tại Việt Nam, góp phần bảo vệ sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Cuộc họp toàn thể của CCM lần này mở ra một giai đoạn mới đầy hứa hẹn, với sự cam kết và quyết tâm cao từ các thành viên CCM nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Các đại biểu chúc mừng PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Ban Điều phối quốc gia Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét (CCM) Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2026 và TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; ông Nguyễn Anh Phong, đại diện nhóm người sống chung với HIV, được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch CCM.
Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét được thành lập từ năm 2001, là nguồn tài trợ lớn nhất trên thế giới cho việc phòng, chống 3 bệnh HIV, Lao và Sốt rét. Trong hơn 20 năm vừa qua, Quỹ Toàn cầu đã nỗ lực tài trợ hơn 55 tỉ USD, cứu sống 50 triệu người và giảm được hơn một nửa tỉ lệ tử vong do 3 căn bệnh này ở các quốc gia được tài trợ.
PGS. TS. Phan Thị Thu Hương,Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS báo cáo tại cuộc họp
Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được tài trợ của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét từ năm 2003. Đến nay, Quỹ đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam gần 700 triệu USD cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét...
Trong giai đoạn 2021-2023, CCM đã hỗ trợ xét nghiệm tình trạng bệnh cho khoảng 90 nghìn người nghiện chích ma túy, 15 nghìn phụ nữ bán dâm, 50 nghìn người quan hệ đồng tính nam (MSM), 50 nghìn bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV; 50 nghìn can, phạm nhân được xét nghiệm HIV. Bên cạnh đó, CCM cũng đã hỗ trợ xét nghiệm cho 40 nghìn phụ nữ mang thai tại các xã khó khăn được xét nghiệm HIV miễn phí; 9 nghìn người nguy cơ được xét nghiệm thông qua website tuxetnghiem.vn, tỉ lệ dương tính 6% trong năm đầu.
CCM cũng đã dự phòng HIV, Lao, Sốt rét cho 40 nghìn người nghiện chích ma túy, 41 nghìn MSM-TG, 11 nghìn phụ nữ bán dâm; 2.975 bệnh nhân được tham gia thí điểm cấp thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone. Giai đoạn 2021-2023, CCM cũng hỗ trợ điều trị ARV cho khoảng 50 nghìn bệnh nhân; tài trợ ARV cho 4.500 bệnh nhi; duy trì điều trị cho 4.500 can, phạm nhân trong 54 trại giam, trại tạm giam; 21 nghìn bệnh nhân HIV và bệnh nhân Methadone được điều trị VGC với tỉ lệ khỏi bệnh >96%... Ngoài ra, CCM còn hỗ trợ cho hệ thống y tế trong việc nâng cao năng lực, vận động chính sách để ban hành các văn bản cho công tác phòng, chống HIV; hỗ trợ khẩu trang, bảo hộ, sát khuẩn… Trong giai đoạn 2024-2026, CCM Việt Nam chú trọng các hoạt động nhằm tiếp tục tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu 95-95-95 và Chiến lược Quốc gia nhằm chấm dứt bệnh dịch AIDS vào năm 2030.
PGS.TS Nguyễn Bình Hoà, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương báo cáo tại cuộc họp
Đối với chương trình phòng, chống Lao quốc gia giai đoạn 2024 – 2026, được tài trợ trên 63 triệu USD với mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc bệnh Lao mới trong cộng đồng xuống 50% vào năm 2026 so với năm 2018; giảm tỷ lệ tử vong do Lao xuống 75% vào năm 2026 so với năm 2018; duy trì tỷ lệ mắc Lao kháng thuốc ở bệnh nhân mới dưới 5%; giảm 50% số hộ gia đình có chi phí thảm họa do Lao vào năm 2026 so với năm 2018. Phối hợp với các cơ sở y tế công và tư khác, đảm bảo khả năng tiếp cận phổ cập các dịch vụ chẩn đoán và điều trị chất lượng cao thông qua ACF (Active Case Finding) và ICF (International Classification of Functioning, Disability and Health) cho các nhóm có nguy cơ cao và chưa được tiếp cận, đặc biệt là trẻ em. Cung cấp chẩn đoán và điều trị lao tiềm ẩn định kỳ cho các nhóm dễ bị tổn thương và mới mắc bệnh.
TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện sốt rét – Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương báo cáo tại cuộc họp
Dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin” giai đoạn 2024 – 2026 triển khai tại 36 tỉnh (21 tỉnh sốt rét lưu hành và 15 tỉnh đã loại trừ sốt rét thực hiện phòng ngừa sốt rét quay trở lại) với tổng ngân sách tài trợ trên 10 triệu USD. Mục tiêu chính của dự án là: Giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do sốt rét để đạt mục tiêu loại trừ sốt rét trên toàn quốc vào năm 2030 góp phần đạt mục tiêu Phát triển Bền vững tại Việt Nam.
Tại phiên họp, các đại biểu tham dự và các chuyên gia cũng đã cùng thảo luận và đưa ra những kiến nghị, đề xuất liên quan đến hoạt động của các dự án, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để công tác phòng chống 3 bệnh HIV - AIDS, Lao và Sốt rét đạt kết quả.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu đối với các quốc gia đặc biệt là Việt Nam thông qua các đầu mối CCM đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công công tác phòng, chống và tiến tới loại trừ HIV - AIDS, Lao và Sốt rét. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID – 19 vừa qua và những thay đổi về cơ chế chính sách. Tuy nhiên với nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm thì hy vọng chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn này để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra.
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch CCM phát biểu kết luận
Thứ trưởng Bộ Y tế gửi lời cảm ơn Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ Việt Nam trong suốt một thời gian dài đã qua giúp Việt Nam thực hiện thành công việc phòng, chống các bệnh HIV – AIDS, Lao và Sốt rét. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Quỹ Toàn cầu sẽ tiếp tục hỗ trợ và đối với những khó khăn vướng mắc liên quan đến phí Quỹ, lãnh đạo Quỹ cũng xem xét và đưa ra những giải pháp để giúp đỡ Việt Nam triển khai các chương trình. Đối với các đơn vị nhận tài trợ thì cũng cần tìm ra những giải pháp để triển khai sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ, tận dụng tối đa hiệu quả những nguồn lực này. Về phía CCM Việt Nam sẽ hỗ trợ tích cực và tạo điều kiện để kết nối, giải quyết các vướng mắc.
Đối với những khó khăn liên quan đến Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị TS. Angela Pratt, Phó Chủ tịch CCM và là Chủ tịch của Ủy ban giám sát sẽ ngồi lại với các các đơn vị tiếp nhận tài trợ để tổng hợp lại các khó khăn, vướng mắc, phân loại và đưa ra các đề xuất với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan và có thư gửi các cơ quan; nếu cần sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để đề xuất các phương án giải quyết trong thời gian tới như thế nào với những khó khăn vướng mắc này. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Ủy ban giám sát CCM khẩn trương lập kế hoạch kiểm tra, giám sát để có thê triển khai giám sát ngay từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2024.
Các thành viên CCM đều đại diện cho các cơ quan và về phía Chính phủ thì đều đại diện cho các Bộ, ngành. Trong quá trình thực hiện nếu có những khó khăn vướng mắc liên quan đến Bộ, ngành thì các thành viên CCM tiếp thu và sẽ có những đề xuất với Bộ, ngành để có phương án giải quyết nhanh chóng và phù hợp nhất.
Trong thời gian tới, CCM sẽ xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động. Các chuyên gia sẽ gửi dự thảo tới các thành viên CCM và đề nghị các thành viên sẽ đóng góp tích cực cho các hoạt động của CCM cũng như việc xây dựng quy chế hoạt động của CCM. Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các tổ chức quốc tế, các đơn vị tài trợ và các đơn vị tiếp nhận tài trợ sẽ cùng phối hợp với CCM để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới.
Theo Bộ Y tế
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm