Sau sự cố tạp chất bột kim loại lẫn trong vaccine, Moderna có thể tiếp tục sản xuất

Thông tin từ cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết, Moderna có thể tiếp tục hoạt động sản xuất vaccine COVID-19 tại nhà máy của công ty Rovi ở Tây Ban Nha, sau khi Nhật Bản phát hiện có tạp chất là bột kim loại lẫn trong vaccine.
28/08/2021 06:37

"Hoạt động sản xuất vaccine COVID-19 ở nhà máy của Rovi có thể tiếp tục sau quá trình đánh giá rủi ro sơ bộ dựa trên thông tin (chúng tôi) nhận được cho đến nay", Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) nói với Reuters hôm 27/8.

"Một cuộc điều tra về nguyên nhân sự cố lẫn tạp chất đang được tiến hành. EMA sẽ cung cấp thêm thông tin khi cuộc điều tra có tiến triển", cơ quan này nói thêm.

vac

Lô vaccine Moderna ở Nhật Bản bị nghi lẫn bột kim loại. Ảnh: Reuters.

Trước đó, ngày 26/8, khoảng 1,6 triệu liều vaccine Moderna đã bị ngừng sử dụng ở Nhật Bản do một số lọ được ghi nhận nhiễm tạp chất, Nikkei Asia dẫn thông báo từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết.

Theo NHK, Bộ Y tế Nhật Bản cho rằng tạp chất lẫn trong vaccine là bột kim loại, do nó có phản ứng với nam châm.

Phía Moderna xác nhận đã nhận được "một số khiếu nại về chất dạng hạt" trong các lọ vaccine được phân phối ở Nhật Bản, nhưng cho biết họ không phát hiện "vấn đề về an toàn hoặc hiệu quả" nào liên quan đến các báo cáo này.

"Công ty đang điều tra các báo cáo và vẫn cam kết làm việc minh bạch, khẩn trương với đối tác, Takeda Pharmaceutical, và các cơ quan quản lý để giải quyết bất kỳ mối lo ngại tiềm ẩn nào", người phát ngôn của Moderna nói với Nikkei, đồng thời cho biết hãng dược này tin rằng "vấn đề sản xuất" tại một nhà máy ở Tây Ban Nha đã dẫn đến sự cố.

Cùng ngày, Rovi, công ty sản xuất dược và đóng gói ở Tây Ban Nha, cho biết họ đang điều tra về việc một số vaccine sản xuất cho Moderna gửi đến Nhật Bản bị nhiễm tạp chất.

Động thái này của Moderna và Rovi được đưa ra sau khi các chất lạ được phát hiện trong 39 lọ vaccine chưa sử dụng tại 8 điểm tiêm chủng ở Nhật Bản trong 10 ngày qua. Tất cả lọ bị nhiễm bẩn đều được sản xuất tại nhà máy Rovi và được chuyển đến Nhật Bản từ cuối tháng 7.

Vũ Minh (Theo Reuters)

comment Bình luận

largeer